
Khối ngoại từng bán ròng kỷ lục trong năm 2024 với gần 94.450 tỷ đồng tuy nhiên, VN-Index vẫn tăng 12% trong năm 2024, thể hiện sự kiên cường của thị trường chứng khoán Việt Nam dù khối ngoại bán ròng giá trị lớn.
Mặc dù xu hướng bán ròng của khối ngoại đã có dấu hiệu chậm lại trong quý cuối cùng của năm 2024, sau khi FED chính thức bước vào giai đoạn giảm lãi suất. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định tỷ giá vẫn sẽ là rủi ro cần theo dõi khi dược dự báo duy trì ở mức cao trong 2025 do ảnh hưởng của đồng USD mạnh hơn dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thống kê từ đầu năm đến hết phiên ngày 17/2, khối ngoại đã bán ròng xấp xỉ 13.600 tỷ đồng, tương ứng hơn một nửa tỷ USD và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Như vậy, sau 5 năm liên tiếp, khối ngoại đã bán ròng hơn 7,2 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Xét về những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm, FPT hiện đang dẫn đầu toàn sàn với giá trị bán ròng lên đến 2.200 tỷ đồng. Áp lực bán mạnh đưa tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại FPT giảm xuống mức 44,6%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Đây cũng là quãng “hở” room dài nhất trong nhiều năm trở lại đây của cổ phiếu “ông lớn” ngành công nghệ này.
Xếp vị trí thứ 2 là VIC khi cổ phiếu này bán ròng xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, chủ yếu thực hiện trên kênh thoả thuận với tâm điểm tại phiên 16/1 gần 50,8 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị gần 2.100 tỷ đồng. Hai cổ phiếu cũng bị bán ròng nghìn tỷ từ đầu năm là VNM (1.488 tỷ) và MWG (1.166 tỷ đồng). Bên cạnh đó, khối ngoại cũng mạnh tay bán tại STB, MSN, SSI, FRT…
Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu thu hút được dòng tiền ngoại chảy vào là VGC với 416 tỷ đồng và HDB với 343 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới phát hành, chuyên gia SSI Research cho biết, dòng vốn từ các Quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam sẽ vẫn chịu nhiều yếu tố tác động trái chiều trong năm 2025. Theo đó, dòng vốn sẽ bị hạn chế bởi kỳ vọng tốc độ hạ lãi suất chậm của FED và áp lực tỷ giá, chính sách khó đoán định dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump hoặc tiềm ẩn suy thoái kinh tế, hay số lượng các cổ phiếu ở các nhóm ngành thu hút dòng tiền như công nghệ khá hạn chế.
Dù vậy, SSI chỉ ra điểm tích cực là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 giúp cho việc rút ròng có thể được hạn chế. Theo thống kê, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại theo vốn hóa toàn thị trường hiện chỉ còn khoảng 16%.
SSI kỳ vọng việc nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường Việt Nam trong năm 2025 sẽ đến từ câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell. Các chính sách bước đệm như triển khai hệ thống giao dịch KRX, việc áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị định 155/2020 sửa đổi sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường vốn trong trung và dài hạn.
Tương tự, chuyên gia Chứng khoán KBSV cũng cho biết, thị trường Việt Nam sẽ được quyết định nâng hạng theo đánh giá của FTSE Russell trong kỳ tháng 9/2025 và chính thức được thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi của FTSE trong năm 2026, qua đó đem lại các tác động tích cực lên dòng vốn ngoại chảy vào thị trường Việt Nam.
Theo ước tính của KBSV, sau khi nâng hạng, Việt Nam có thể đón nhận khoảng 36.000 tỷ đồng vốn ngoại từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số thị trường mới nổi của FTSE (~1,5% tổng quy mô tài sản các quỹ ETF này) và khoảng 100.000 tỷ đồng vốn từ các quỹ thụ động và chủ động với danh mục lựa chọn trong rổ thị trường mới nổi FTSE (~1% tổng quy mô tài sản các quỹ này).