![ttck-5.jpg](https://tttctt.1cdn.vn/2024/08/14/ttck-5.jpg)
VN-Index có thể đạt 1.315 điểm
Theo báo cáo mới nhất từ Công ty Chứng khoán KBSV, VN-Index có thể tiếp tục đà tăng, tiến đến vùng kháng cự trung hạn quanh mức 1.315 điểm trước khi đối mặt với áp lực rung lắc mạnh. KBSV dự báo xác suất cho kịch bản này là 70%.
Những yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường trong tháng 2 bao gồm lợi nhuận khả quan từ các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và ngân hàng, giúp định giá P/E của VN-Index trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài ra, tỷ giá ổn định nhờ chỉ số DXY giảm, giảm áp lực cho các doanh nghiệp nhập khẩu và có nợ ngoại tệ lớn, đồng thời thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Về xu hướng thị trường, KBSV nhận định VN-Index đang ở vùng giá hấp dẫn sau khi kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp đã được công bố. Xu hướng hồi phục được dự báo là chủ đạo nhưng không quá mạnh do vẫn tồn tại các yếu tố rủi ro bất định, khiến tâm lý nhà đầu tư còn dè dặt khi tham gia thị trường.
![screenshot-2025-02-15-at-10.24.48.png](https://tttctt.1cdn.vn/2025/02/15/screenshot-2025-02-15-at-10.24.48.png)
Trên biểu đồ tuần, xu hướng trung hạn của VN-Index tiếp tục duy trì trạng thái trung tính, vận động trong dải đi ngang kéo dài trong cả năm 2024. Mặc dù vậy, với cạnh dưới có phần dốc lên, đáy sau cao hơn đáy trước và sự xuất hiện của các mẫu nến đảo chiều khi về gần vùng hỗ trợ, chỉ số có thể tiếp tục xu hướng hồi phục trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu mục tiêu và có thể gia tăng tỷ trọng tại các nhịp điều chỉnh, tập trung vào các nhóm ngành có triển vọng kinh doanh tích cực và hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ kinh tế.
Dự báo tiêu cực: VN-Index có thể giảm dưới 1.220 điểm
Trái ngược với quan điểm trên, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) lại đưa ra dự báo thận trọng hơn. Trong báo cáo mới cập nhật, TPS cho rằng cần tính đến khả năng VN-Index "thủng" ngưỡng 1.220 điểm và bước vào xu hướng giảm.
Cụ thể, kể từ năm 2024 đến nay, VN-Index dao động trong khoảng từ 1.165 điểm đến 1.305 điểm, với các mức hỗ trợ dài hạn được nâng cao dần qua thời gian, cho thấy dòng tiền thông minh vẫn đặt niềm tin vào thị trường khi xuất hiện các mức định giá hợp lý để giải ngân.
Tuy nhiên, thanh khoản trên thị trường vẫn tiếp tục sụt giảm. Từ đầu năm 2025 đến nay, giá trị giao dịch trung bình đạt 11.730 tỷ đồng, thấp hơn 29,2% so với cả năm 2024.
TPS đưa ra ba kịch bản về diễn biến của VN-Index:
Kịch bản tích cực (xác suất 50%): VN-Index có thể chạm tới vùng 1.370 – 1.380 điểm. Nếu thị trường phá vỡ kháng cự tại vùng 1.275 – 1.280, nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường thoát khỏi vùng đi ngang để hình thành xu hướng tăng trung hạn với mục tiêu ở vùng 1.370 – 1.380 điểm.
Kịch bản trung bình (xác suất 30%): Động lực từ phe mua không đủ mạnh để giúp chỉ số thoát khỏi vùng kháng cự 1.275 – 1.280 điểm, chỉ số có thể tiếp tục đi ngang trong phạm vi 1.232 – 1.275 điểm.
Kịch bản tiêu cực (xác suất 20%): Nếu thị trường đón nhận thông tin bất lợi kèm theo hành động quyết liệt từ phe bán, dẫn đến việc VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ gần là 1.230 điểm, thị trường có thể bước vào giai đoạn giảm giá. Sự xác nhận cho nhịp giảm chính thức sẽ xảy ra khi chỉ số đánh mất thêm ngưỡng 1.220 điểm.
Các dự báo trái chiều trên phản ánh sự phức tạp và khó lường của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn hiện tại. Những yếu tố tích cực như lợi nhuận doanh nghiệp khả quan và tỷ giá ổn định đang hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, những rủi ro như bất định trong chính sách thương mại toàn cầu và sự ra mắt của các công nghệ mới có thể tạo áp lực lên thị trường.