IMF đánh giá cao các chính sách điều hành kinh tế của Việt Nam

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 9 tháng đầu năm nay chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Việt Nam khi các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ.

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 3 quý đầu năm đạt 8,83%, được thúc đẩy bởi sản xuất mạnh mẽ, xuất khẩu tăng, doanh số bán lẻ phục hồi vững chắc và du lịch tăng trưởng. Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Washington, quan chức phụ trách truyền thông của IMF, bà Pemba Tshering Sherpa nêu bật một số chính sách của Chính phủ Việt Nam đã đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động kinh tế trong năm nay.

Bà Pemba Tshering Sherpa cho biết lạm phát của Việt Nam cũng thấp hơn so với hầu hết các nước trong khu vực, cho đến gần đây hầu như chỉ giới hạn ở một số loại hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ tiêu thụ nhiều nhiên liệu như vận tải. Người tiêu dùng hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá thực phẩm trên toàn cầu vì nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt lợn giảm so với mức đỉnh của năm ngoái và thói quen tiêu thụ gạo vẫn rẻ hơn lúa mì cũng như các loại ngũ cốc khác.

Đề cập các chính sách của Chính phủ Việt Nam giúp đem lại hiệu quả kinh tế, bà Pemba Tshering Sherpa nhắc tới sự chuyển hướng chiến lược chống dịch COVID-19 và mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế vào tháng 3 năm nay (nhờ chiến dịch tiêm chủng thần tốc). Đây là chìa khóa để khởi động lại động lực của nền kinh tế.

Thứ hai là mức lãi suất thấp và chính sách tiền tệ thích ứng nói chung cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng quay trở lại hoạt động sản xuất khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Thứ ba, việc giảm thuế và hỗ trợ cho người lao động trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội (PRD) cũng giúp nền kinh tế lấy lại động lực.

Thứ tư, việc cắt giảm thuế môi trường và các loại thuế, phí khác đối với các sản phẩm dầu mỏ (thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế tiêu thụ đặc biệt) giúp giảm bớt tác động của giá dầu thế giới cao hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp Việt Nam. Cuối cùng, việc đóng băng giá đối với một số dịch vụ, bao gồm điện, y tế và giáo dục, cũng góp phần giữ cho lạm phát trong tầm kiểm soát cho đến nay.

Quảng cáo

Chuyên gia IMF nhận định các chính sách đã được vận hành tốt để hỗ trợ sự phục hồi trong quá trình chuyển đổi hậu COVID-19. Tuy nhiên, những rủi ro đang hiện hữu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chậm lại đáng kể, áp lực lạm phát trong nước và áp lực đối với đồng tiền của Việt Nam ngày càng tăng. Những thách thức này đòi hỏi sự chuyển đổi từ lập trường chính sách thuận lợi sang thận trọng hơn, tập trung vào việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và khu vực tài chính.

Bà Pemba cũng đưa ra những khuyến nghị về chính sách và biện pháp cho nền kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh trong ngắn hạn, các chính sách tiền tệ và tài khóa cần được phối hợp và truyền đạt một cách thận trọng. Về mặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chú trọng ổn định giá cả.

Về khía cạnh này, IMF hoan nghênh quyết định mở rộng biên độ tỷ giá hối đoái gần đây. Dự trữ ngoại hối nên được bảo toàn để đối phó với tình trạng bất ổn thị trường có thể tồi tệ hơn trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước nên dựa nhiều hơn vào việc tăng lãi suất trong nước và hạ trần lãi suất tăng trưởng tín dụng để kiềm chế lạm phát, ngay cả khi điều này có nghĩa là tăng trưởng có phần thấp hơn. IMF cũng khuyến khích Việt Nam duy trì mục tiêu lạm phát ở mức 4% vào năm 2023 để thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc ổn định giá cả.

Cũng theo bà Pemba, chính sách tài khóa cần phải linh hoạt khi đối mặt với những bất ổn ngày càng tăng. Việt Nam nên tiếp tục thực hiện PRD và nếu cần, nên dựa vào các khoản chuyển giao có mục tiêu cho các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất, thay vì triển khai bổ sung các biện pháp kích thích tài khóa trên diện rộng có thể sẽ thúc đẩy lạm phát. Ngoài ra, bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính cũng có ý nghĩa quan trọng.

Về trung và dài hạn, quan chức IMF đánh giá cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất của các doanh nghiệp trong nước, nâng cao trình độ cho người lao động và tiếp tục số hóa nền kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu. Hơn nữa, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu không phát thải ròng của chính phủ vào năm 2050 sẽ đòi hỏi phải đầu tư nhiều vào việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực tế, chiến lược phát triển của Việt Nam đã bao gồm những cải cách trong các lĩnh vực này và điều cần thiết hiện nay là thực thi mang tính quyết định các cải cách đó.

Về triển vọng kinh tế năm tới, bà Pemba cho rằng Việt Nam phải đối mặt với một môi trường bên ngoài đầy thách thức. Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất của IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 sẽ giảm xuống 2,7%, do hoạt động của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị chậm lại.

Điều này có thể sẽ làm giảm nhu cầu từ bên ngoài đối với hàng hóa của Việt Nam, tác động tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, mức lạm phát cao bất thường ở nhiều nền kinh tế phát triển có thể khiến nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ. Để đối phó, Ngân hàng Nhà nước có thể phải đối mặt với áp lực tiếp tục tăng tỷ giá trong nước, làm tăng chi phí huy động vốn. Những yếu tố trên dự kiến sẽ dẫn đến tăng trưởng của Việt Nam chậm lại, theo đó IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 5,8%.

Theo Báo Tin tức Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Đồng euro yếu - công cụ để châu Âu ứng phó với thuế quan mới của Mỹ?

Nếu đồng euro yếu hơn, giảm xuống ngang giá với đồng USD, sẽ làm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc Mỹ có thể áp các mức thuế mới đối với hàng hóa của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đồng euro thắng thế trên thị trường tiền tệ toàn cầu Trung Quốc trở lại thị trường nợ với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro

Thế kẹt của kinh tế châu Âu

Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ. Nhiều người hy vọng rằng những nỗ lực mới đây của Trung Quốc trong việc tăng chi tiêu công có thể phục hồi tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ giảm điểm trong phiên 23/10 14 triệu lao động, 7% GDP và toàn ngành ô tô Châu Âu đang lao đao trước cơn bão xe điện Trung Quốc