Theo hãng tin Reuters ngày 25/10, ông Fatih Birol cảnh báo rằng động thái cắt giảm nguồn cung gần đây đã khiến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay thêm xấu đi.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) hồi đầu tháng 10 đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thô 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11. Mục đích là duy trì mức giá cao.
Theo báo cáo của ông Birol tại hội nghị Tuần lễ Năng lượng Singapore, chính sách đó của OPEC+ làm tăng nguy cơ suy thoái toàn cầu khi nhu cầu dầu sẽ vượt cung vào năm tới.
Giám đốc điều hành IEA cho biết động thái này là đặc biệt rủi ro, vì một số nền kinh tế trên thế giới đang trên bờ vực suy thoái.
Dự báo OPEC+ cắt giảm nguồn cung sẽ làm giá dầu tăng sau khi đã giảm khoảng 10% trong ba tháng qua.
Giá dầu thô tăng có thể khiến lạm phát tăng và khiến cả sản xuất công nghiệp và tăng trưởng đều giảm. IEA đã cảnh báo điều đó có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Các dự báo của IEA cho thấy tiêu thụ dầu toàn cầu tăng 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Do đó, sẽ cần có dầu thô của Nga để thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu.
Mỹ và Liên minh châu Âu quyết định cấm nhập khẩu dầu Nga sau khi xảy ra xung đột Ukraine – Nga từ cuối tháng 2.
Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 đã ủng hộ áp đặt giá trần dầu Nga để giảm lợi nhuận của Nga mà không cắt đứt hẳn nguồn cung từ nước này.
Ước tính rằng dù áp đặt các biện pháp này thì vẫn sẽ tạo không gian cho 80 đến 90% lượng dầu của Nga không chịu cơ chế giá trần. Theo ông Birol, điều này sẽ giúp bù đắp thiếu nguồn cung. Ông nói: “Tôi nghĩ điều này là tốt, bởi vì thế giới vẫn cần dầu của Nga trên thị trường lúc này”.
Các thành viên IEA cũng đã xây dựng một kho dự trữ dầu bổ sung để có thể được tung ra thị trường nếu cần tăng nguồn cung và giảm giá xuống thấp hơn.
Ông Birol nói: “Chúng tôi vẫn còn một lượng lớn hàng dự trữ trong trường hợp chúng tôi thấy nguồn cung bị gián đoạn. Hiện tại, động thái này không có trong chương trình nghị sự, nhưng có thể được thực hiện bất cứ lúc nào”.