Định vị thị trường
Biên bản cuộc họp FOMC thể hiện những thận trọng của FED trước sự hạ nhiệt chậm của lạm phát. Các thị trường châu Á dù vậy không có phản ứng rõ rệt. Biến động trái chiều vẫn xảy ra giữa các thị trường. Chiều tăng điểm có TWSE (+0,26%), KLSE (+0,38%), NIKKEI 225 (+1,26%) trong khi HSI (-1,8%), SZI (-1,56%), KOSPI (-0,06%) giảm điểm.
VN-Index đã chững lại trong 2 phiên giao dịch với tổng số điểm đánh rơi là hơn 10,6 điểm trong đó phiên hôm qua là phiên giảm nhiều nhất trong 4 tuần trở lại. Dù vậy, ở phiên hôm nay, chỉ số hồi phục mạnh mẽ và gỡ hết những điểm số đã đánh rơi. Thậm chí, mức đóng cửa của VN-Index còn cao nhất trong hơn 7 tuần.
Chất xúc tác
Thanh khoản thị trường vẫn thể hiện sự sôi động với phiên thứ 7 liên tiếp khớp lệnh của HOSE cao hơn mức bình quân 20 phiên. So với phiên hôm qua, khớp lệnh giảm 16% xuống 833 triệu đơn vị.
Khối ngoại đã đẩy mạnh giao dịch trở lại với tỷ trọng đóng góp vào giao dịch 2 chiều chiếm 9,3%. Cùng với đó, khối này cũng quay lại mua ròng gần 70 tỷ đồng với các mã DBC (+99 tỷ đồng), MWG (+81,2 tỷ đồng), PC1 (+77,7 tỷ đồng) được giải ngân nhiều trong khi họ bán ra FPT (-187 tỷ đồng), VHM (-81,42 tỷ đồng).
Với tỷ trọng chưa đến 10%, rõ ràng vai trò của tiền ngoại vẫn không thực sự gây ra nhiều ảnh hưởng lên thị trường. Nhà đầu tư nội tiếp tục là bên thể hiện sự chủ động về dòng tiền.
Đáng chú ý, trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng gần 23.000 tỷ đồng qua các kênh cầm cố và tín phiếu. Cụ thể, trên kênh cầm cố, có 24.999,99 tỷ đồng trúng thầu và 2.791,17 tỷ đồng đáo hạn. Còn với tín phiếu, có 650 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 4,0% và 1.400 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tổng cộng, NHNN bơm ròng 22.958,82 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 56.340 tỷ đồng, khối lượng trên kênh cầm cố tăng lên mức 28.047,31 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Sau phiên giảm hơn 10 điểm, thị trường thực tế chưa hề chuyển biến xấu. Nhà đầu tư dù vậy vẫn có những sự thận trọng nhất định trong hành động giao dịch. Đặc biệt, các thông tin cập nhật về biên bản cuộc họp FOMC cũng khiến cho VN-Index tiếp tục chứng kiến sự rung lắc trong phiên sáng nay.
Tuy nhiên, một số điểm "nổ" lại bất ngờ xuất hiện như PLX (+6,9%), CNG (+6,9%), GAS (+4,3%) trong đó PLX, GAS đều là những cổ phiếu Bluechips nằm trong rổ VN30. Ngoài ra, các mã BSR (+6,6%), OIL (+5,8%) cũng tiếp tục tăng tốc trên UPCoM trong phiên sáng.
Sang đến phiên chiều, còn có thêm một nhân tố ở nhóm VN30 là BVH (+6,95%) cũng "phất cờ", qua đó kéo theo các mã trong ngành Bảo hiểm như BMI (+6,95%), MIG (+6,94%).
Cùng với đó là các Bluechips như HPG (+3,7%), SAB (+3,5%), MSN (+2,6%) cũng thúc đẩy chỉ số VN30 và VN-Index vượt qua rung lắc. Cả 2 chỉ số đã tăng tốc từ sau 13h30 và đóng cửa ở mức cao nhất phiên. Chỉ số VN-Index tăng 14,12 điểm lên 1.281,03 điểm (+1,11%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 23.314 tỷ đồng, tương đương 968,13 triệu đơn vị.
Sắc xanh đã trở lại diện rộng trên toàn HOSE với 56% mã tăng giá. Các nhóm Khu Công nghiệp, Thép, Năng lượng, Dầu khí đã ghi nhận hàng loạt mã tăng giá tích cực như VGC (+2,8%), LHG (+2%), TLH (+3,9%), NKG (+2,8%), PC1 (+5,2%), NT2 (+4,7%), REE (+3,9%), PPC (+2,9%), PSH (+4,2%).
Nhóm Chứng khoán cũng ngay lập tức có sự đảo chiều theo thị trường chung bất chấp có một phiên "mừng hụt" và hôm qua. Trên cả 3 sàn, MBS (+1,5%), ORS (+2,9%), DSC (+2,3%), BVS (+8,7%), VIX (+1,1%) đều tăng cuối phiên sau khi hấp thụ xong lực bán chốt lời trong phiên sáng.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa đều tăng điểm với biên độ 0,72% và 0,5%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 4.100 tỷ đồng.