Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than của Việt Nam đã tăng mạnh trong 10 tháng đầu năm. Cụ thể nước ta đã nhập khẩu hơn 41,3 triệu tấn than với trị giá 5,8 tỷ USD, tăng mạnh 53,6% về lượng nhưng giảm 6,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong tháng 10, nước ta chi hơn 495 triệu USD nhập khẩu hơn 3,6 triệu tấn than, tăng 11% về lượng và tăng 16,8% về trị giá so với tháng trước đó.
Giá nhập khẩu bình quân ghi nhận xu hướng giảm, đạt 141 USD/tấn, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý một cường quốc than đang tăng cường xuất khẩu mặt hàng này đến Việt Nam với giá rẻ chưa từng có là Nga – quốc gia có sản lượng than hơn 200 triệu tấn và đủ dùng trong vòng 300 năm tới.
Cụ thể trong 10 tháng đầu năm, nước ta nhập từ Nga hơn 3,35 triệu tấn than với trị giá hơn 661 triệu USD, tăng mạnh 68% về sản lượng và tăng 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu bình quân cũng ghi nhận giảm mạnh với 197 USD/tấn, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo dữ liệu từ Statista, trong năm 2022, Nga sản xuất 443,6 triệu tấn than, tăng 0,3% so với năm 2021, con số này gấp gần 15 lần so với sản lượng than tự sản xuất hơn 30 tấn của Việt Nam trong năm 2022. Trong năm vừa qua, Việt Nam đã chi hơn 590 triệu USD để nhập khẩu hơn 2,2 triệu tấn than từ Nga.
Xuất khẩu than của Nga sang Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ sau khi EU ra lệnh cấm nhập khẩu than của Nga buộc quốc gia này phải chuyển hướng dòng chảy thương mại. Bắc Kinh đã tăng đáng kể mức tiêu thụ than khi hoạt động công nghiệp của nước này phục hồi sau ba năm bị hạn chế vì dịch COVID-19.
Báo cáo của công ty tư vấn Ykov and Partners (trước đây là McKinsey Russia) cho biết, việc xuất khẩu than Nga tới Liên minh châu Âu và Nhật Bản đã bị sụt giảm hoặc ngừng hoàn toàn liên quan tới các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga.
Trong khi đó, Ấn Độ tăng mạnh nhập khẩu than và là nước mua than cốc lớn thứ hai của Nga với lượng mua 9,3 triệu tấn tính đến tháng 8, (tăng 143% so với cùng kỳ năm 2022).
Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc vẫn nằm trong số 5 nhà nhập khẩu than hàng đầu của Nga, mặc dù các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng Seoul sẽ cắt giảm đáng kể các lô hàng than vào cuối năm 2023.
Theo dự báo đến cuối thập kỷ này, Ấn Độ sẽ chiếm 40% lượng than xuất khẩu của Nga, các nước Đông Nam Á sẽ nhập khẩu 20 - 25%, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu ngoài EU sẽ cùng nhau chiếm khoảng 20%, châu Phi và Trung Đông 15%, trong khi Trung Quốc chỉ 5%.
Bên cạnh đó Nga cũng tăng cường vận chuyển than đến các quốc gia châu Á khác, còn tại Việt Nam, năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 40 - 45% nhu cầu dẫn đến cần tăng trưởng nhập khẩu từ các thị trường như Trung Quốc, Nga,... để cung ứng cho các ngành sản xuất, đặc biệt là cho sản xuất điện.