Chỉ số giá lương thực thế giới tiếp tục giảm. Tương tự, giá ngũ cốc, trong đó có gạo, trên thị trường quốc tế cũng bắt đầu giảm. Vậy còn giá gạo ở Indonesia thì sao?
Ngày 8/3/2024, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) công bố chỉ số giá thực phẩm thế giới tháng 2/2024 ở mức 117,3. Con số này giảm 0,7% so với tháng liền trước và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này cũng thấp hơn nhiều so với chỉ số giá thực phẩm trung bình của năm 2022 - là 144,7. Đó là kết quả của việc giá ngũ cốc, bao gồm lúa mì và gạo, và giá dầu thực vật giảm.
Chỉ số giá ngũ cốc tháng 2/2024 là 113,8, giảm 5% so với tháng liền trước và giảm 22,4% so với cùng kỳ năm trước (nhờ giá lúa mì, ngô và gạo giảm). Trong đó, chỉ số giá gạo thế giới tháng 2/2024 là 140,5, giảm 1,6% so với tháng liền trước. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn 12,3% so với chỉ số giá gạo cùng kỳ năm ngoái.
FAO cho biết: “Giá gạo tháng 2 giảm so với tháng Giêng do nhu cầu nhập khẩu gạo thấp, không chỉ từ Indonesia mà còn từ các nước sản xuất gạo khác, nơi vụ thu hoạch mới chỉ mới bắt đầu”.
Giá gạo giảm hàng tháng xảy ra do nhu cầu nhập khẩu gạo thấp và vụ thu hoạch mới bắt đầu ở một số nước sản xuất gạo.
Trên thị trường thế giới, giá gạo cũng bắt đầu giảm.
Tại Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu tuần này giảm khỏi mức cao kỷ lục khi các khách hàng tìm kiếm những nguồn cung khác có giá rẻ hơn. Gạo đồ 5% tấm tuần này chào giá 548-555 USD/tấn, giảm so với mức 552-560 USD của tuần trước.
Giá gạo bán trong nước của Ấn Độ hiện đang thấp hơn so với giá ở các nước sản xuất gạo khác của châu Á bởi Chính phủ đã triển khai chương trình trợ cấp gạo cho người dân nhằm giảm giá gạo, đặc biệt là trước cuộc bầu cử sắp tới, vào tháng 5/2024.
Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo Basmati và duy trì mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo Pratanak kể từ tháng 8 năm 2023.
Giá gạo ở Việt Nam mấy tuần gần đây giảm, có lúc giá lúa trong nước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023 khi vào vụ thu hoạch đẩy nguồn cung tăng lên trong khi xuất khẩu gạo sang Indonesia chậm lại. Tuần này, giá gạo Việt Nam tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức giá đầu năm 2024. Tuần này, gạo 5% tấm của Việt Nam chào giá 585 USD/tấn, so với mức 580 USD một tuần trước.
Giá gạo Thái Lan cũng giảm do nhu cầu gạo từ các nước khác chậm lại và đồng tiền mất giá. Tuần này, gạo 5% tấm của Thái Lan chào giá 615 USD/tấn, so với 620 USD/tấn tuần trước.
Gạo Indonesia
Vậy giá gạo ở Indonesia như thế nào?
Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) cho biết giá trung bình các loại gạo trên toàn quốc ở Indonesia vào tháng 2 năm 2024 đạt 15.157 Rp/kg, tức là tăng 19,28% so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo ở Indonesia cao hơn nhiều so với giá gạo ở các nước khác, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam.
Dữ liệu của Indonesia cho biết giá gạo nhập từ Thái Lan và Việt Nam trong tháng 2 năm 2024 lần lượt đạt 9.725 Rupiah/kg và 9.573 Rupiah/kg. Tỷ giá hối đoái của đồng rupiah Indonesia vào cuối tháng 2 năm 2024 là 15.585 Rp đổi một đô la Mỹ.
Tính đến ngày 10 tháng 3 năm 2023, Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bapanas) cho biết giá bán lẻ gạo thường trên toàn quốc ở mức trung bình 14.320 IDR/kg. Như vậy, chỉ trong vòng một tuần, giá bán lẻ gạo loại thường giảm 0,21%. Trong khi đó, giá bán lẻ gạo ngon (cao cấp) trên toàn quốc trung bình là 16.450 Rp/kg (giảm nhẹ 0,06% trong một tuần). Vào cuối tháng 2/2024, giá gạo cao cấp tại một số chợ ở Tây Java và Jakarta đã lên tới mức cao kỷ lục lịch sử, 18.000 Rp.
Lãnh đạo Hiệp hội Nông dân Quận Demak của Indonesia, Hery Sugihartono, hôm Chủ nhật (10/3/2024) cho biết mặc dù giá gạo đã giảm nhưng vẫn tương đối cao do nhu cầu theo mùa trong dịp lễ hội Ramadan và Eid al-Fitr. Giá lúa do nông dân bán ra sẽ không giảm nhanh chóng, phải mất khoảng 3 tuần.
Gạo đã góp phần gây ra lạm phát cao bảy tháng liên tiếp ở Indonesia, từ tháng 8 năm 2023 đến tháng 2 năm 2024. BPS lưu ý rằng tỷ lệ lạm phát hàng tháng đối với gạo từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2023 lần lượt là 1,43%, 5,61%, 1,72%, 0,43% và 0,48%. Sau đó, vào tháng 1 và tháng 2 năm 2024, tỷ lệ lạm phát hàng tháng của mặt hàng gạo lần lượt là 0,64% và 5,32%.
Indonesia trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam
Năm 2023 Indonesia vươn lên thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, với 3,5 triệu tấn, gấp 5-7 lần so với 3 năm trước đó, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Cùng tốc độ đó, nhập khẩu gạo của Indonesia từ Việt Nam cũng tăng mạnh, đưa nước này trở thành thị trường lớn thứ 2 của gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 cũng như 2 tháng đầu năm 2024 (từ vị thế thứ 6 của năm 2022).
Cụ thể, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Indonesia năm 2023 đạt đạt trên 1,17 triệu tấn, tương đương 640,25 triệu USD, giá trung bình 549,2 USD/tấn, tăng mạnh 878% về lượng và tăng 992% kim ngạch; giá tăng 11,7% so với năm 2022. Với kết quả này, xuất khẩu gạo sang Indonesia chiếm trên 14,3% trong tổng lượng và chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo sang Indonesia tiếp tục đứng vị trí thứ 2 khi tăng mạnh 52,4% về lượng, tăng 110,5% kim ngạch và tăng 38% về giá so với 2 tháng đầu năm 2023, đạt 219.165 tấn, tương đương 141,69 triệu USD, giá 646,5 USD/tấn, chiếm 20,4% trong tổng lượng và chiếm 19,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Triển vọng thị trường Indonesia năm 2024
Cho đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Indonesia đã cấp hạn ngạch nhập khẩu tổng cộng 3,6 triệu tấn gạo năm 2024 với nhận định tình hình khô hạn liên quan đến hình thái thời tiết El Nino đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến vụ mùa lúa trong nước.
USDA trong 3 báo cáo gần đây nhất đã liên tiếp điều chỉnh tăng dự báo về nhập khẩu gạo của Indonesia năm 2024, từ mức 2,5 triệu tấn dự báo hồi tháng 1/2024 lên 2,9 triệu tấn dự báo tháng 2/2024 và lên 3,5 triệu tấn trong dự báo tháng 3/2024.
Với việc giá gạo ở Indonesia đang giảm nhưng với tốc độ giảm chậm và hiện giá bình quân gạo trên thị trường này hiện vẫn cao hơn khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để xuất khẩu mạnh gạo sang thị trường này trong những tháng tới.
Tham khảo: Kompas.id, Tổng cục Hải quan VN