Cục Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa có chuyến công tác tại Philippines từ ngày 3 – 6/11/2024.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA cho biết, trong chuyến đi này Đoàn Việt Nam đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương Philippines, hỗ trợ tổ chức chương trình khảo sát, nghiên cứu nắm bắt thông tin thị trường, nhu cầu tiêu dùng tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại và hệ thống siêu thị. Hỗ trợ tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại gạo và tri ân khách hàng, nhằm tạo cơ hội tìm kiếm đối tác mới trong thương mại gạo cho doanh nghiệp hai phía.
Hai bên đã trao đổi nhiều thông tin liên quan tới tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu lúa gạo, cơ hội và khả năng mở cửa thị trường cho nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản khác cũng như việc tăng cường trao đổi và hợp tác trong tương lai.
Phó Chủ tịch VFA cho biết, phía Philippines rất ủng hộ chủ trương nhập khẩu gạo từ Việt Nam, trong chuyến đi này đã có nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết với giá 640-645 USD/tấn. Trước đó, vào tháng 7/2024, Bộ Nông nghiệp Philippines cũng đã sang Việt Nam, ngoài gặp trực tiếp doanh nghiệp họ còn xuống thăm các kho của doanh nghiệp. Qua đó cho thấy mối quan hệ thương mại gạo giữa hai nước là rất tốt.
Philippines là thị trường xuất khẩu truyền thống của gạo Việt Nam, nước này chủ yếu mua các loại gạo thơm như DT8, OM18, OM5451. Đây là những loại gạo đặc thù đối với người dân Philippines lại có giá cả hợp lý.
Trong 10 tháng năm 2024, nước này đã nhập khẩu khoảng 3,7 triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm 46% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tăng 31% so với cùng kỳ. Còn 2 tháng nữa hết năm, khả năng lượng gạo nhập khẩu của nước này sẽ vượt 4 triệu tấn.
“Năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt trên dưới 8 triệu tấn gạo, nếu xuất khẩu sang Philippines đạt 4 triệu tấn thì cũng là con số lịch sử và chiếm xấp xỉ 50% tổng lượng gạo xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu đang dao động từ 645-650 USD/tấn (FOB), giá gạo thơm trong nước đang ở mức 15.800 đồng/kg”, ông Nam cho biết.
Theo ông Nam, giá lúa gạo trong nước sẽ còn lên do nguồn cung gạo thơm có hạn, trong khi tại Philippines gạo thơm của Việt Nam đã rất quen thuộc với người tiêu dùng và trở thành loại gạo không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của họ. Các loại gạo khác dù có rẻ hơn cũng rất khó vào thị trường này, do không phù hợp với thị hiếu và xu hướng tiêu dùng.
Song, điều quan trọng nhất trong chuyến đi này đó là hai bên đều trao đổi, mong muốn làm sao giữ được giá gạo ổn định.
“Người nông dân cần đảm bảo mức bình quân 8.000 đồng/kg lúa tươi, còn nhà nhập khẩu thì mong muốn giá gạo xoay quanh mức 600 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu ổn định ở mức cao bà con sẽ an tâm sản xuất. Thực tế thời gian qua, người nông dân không chỉ đẩy mạnh sản xuất mà còn mở rộng diện tích gieo xạ”, Phó Chủ tịch VFA nhấn mạnh.
Dự đoán giá gạo trong thời gian tới, ông Nam cho rằng có 3 yếu tố giúp giá gạo tiếp tục ổn định ở mức cao đó là: Việt Nam đã vào cuối vụ nguồn cung không còn nhiều. Giá tiêu dùng trong nước đang rất cao, chứng tỏ nhu cầu trong nước cũng đang cần nhiều gạo. Các hợp đồng Bulog doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục tham gia, cũng là yếu tố buộc họ phải đẩy giá để mua vào thực hiện hợp đồng. Với tình hình này giá lúa gạo vụ Đông Xuân 2024-2025 sẽ tiếp tục ở mức cao.
“Philippines vẫn đang rất cần gạo của Việt Nam, việc nước này chiếm gần 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của chúng ta, cho thấy vai trò của gạo Việt tại Philippines là rất ổn định. Song, điều quan trọng là tiếp tục duy trì tốt các mối quan hệ thì tôi tin giá gạo Việt trong thời gian tới sẽ vẫn rất tốt. Năm nay, chắc chắn xuất khẩu gạo sẽ vượt 8 triệu tấn, trị giá hơn 5 tỷ USD, đây là con số lịch sử kể từ khi Việt Nam tham gia thương mại gạo toàn cầu”, ông Nam nhấn mạnh.