Thủy điện của Na Uy là có vai trò quan trọng đối với thị trường điện trong khu vực. Tuy nhiên, bất chấp luật hiện hành nhằm chuẩn bị cho các nước châu Âu đối phó với các cuộc khủng hoảng năng lượng, Na Uy không bị chi phối bởi những quy định của Liên minh Châu Âu (EU).
Na Uy, nước xuất khẩu điện chủ chốt sang EU, đang xem xét giảm công suất kết nối điện sau khi mùa Hè khô hạn ảnh hưởng đến sản xuất điện dựa vào thủy điện của nước này.
Thông báo của Oslo đã vấp phải sự chỉ trích của các nhà điều hành hệ thống truyền tải (TSO), phụ trách vận tải năng lượng ở Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan.
“Trong khi chúng tôi [hiểu] sự cần thiết phải đảm bảo an ninh nguồn cung, chúng tôi đồng thời lo ngại sâu sắc rằng việc giảm công suất được đề xuất dường như không quan tâm đến lợi ích của việc giữ cho biên giới mở và không đảm bảo an ninh điện theo cách hiệu quả nhất”, TSO cho biết trong một tuyên bố chung.
Teppo Säkkinen, cố vấn về Chính sách Công nghiệp và Khí hậu tại Phòng Thương mại Phần Lan, cho biết nếu Na Uy hạn chế xuất khẩu điện, điều đó sẽ gây tổn hại đến an ninh năng lượng ở Bắc Âu và làm suy giảm lòng tin trên thị trường.
Ông Säkkinen nói: “Châu Âu đang phải đối mặt với một mùa Đông khó khăn và các quốc gia nên hợp tác cùng nhau để vượt qua nó, chứ không phải xây dựng các biện pháp can thiệp thị trường theo chủ nghĩa bảo hộ". TSO của Phần Lan cũng cảnh báo rằng người tiêu dùng nước này nên chuẩn bị cho việc cắt điện do thiếu điện.
Trong khi đó, TSO của Thụy Điển lưu ý rằng, mặc dù rủi ro mất điện "là rất nhỏ", nhưng nó "có khả năng cao hơn vào mùa Đông tới do tình hình hiện tại trên thị trường năng lượng".
Theo luật năm 2019, các nước EU sẽ ngăn chặn những gián đoạn như vậy trong kế hoạch sẵn sàng ứng phó với rủi ro. Chúng bao gồm việc phác thảo các lỗ hổng và các biện pháp thực hiện nếu có sự cố.
Mặc dù các lỗ hổng được đề cập bao gồm ảnh hưởng của bão, thời tiết lạnh và rủi ro chính trị liên quan đến Nga, Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển đều bỏ qua kế hoạch giảm nhập khẩu từ Na Uy.
Thật vậy, kế hoạch của Đan Mạch đã nhấn mạnh sự liên minh giữa các nước Bắc Âu trong chương trình đảm bảo nguồn điện của mình. Nước này trích dẫn một diễn đàn được thành lập bởi TSO của Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển vào năm 2004, trong đó “ưu tiên và đảm bảo hợp tác chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp khẩn cấp của Bắc Âu liên quan đến ngành điện”.
Mặc dù Na Uy không phải là thành viên của EU, nhưng nước này vẫn tham gia và thực hiện các quy tắc của thị trường chung EU thông qua hiệp định Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA).
“Na Uy là thành viên của EEA và áp dụng luật năng lượng của EU. Trong khi luật của EU cho phép các cách bảo vệ dung tích hồ chứa nhiều năm, bất kỳ quyết định nào (như đề xuất của Na Uy) không thể được phép dẫn đến đóng cửa biên giới để hạn chế trao đổi điện trong thị trường điện nội bộ”, một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu nói.
Trong khi đó, Cơ quan Tài nguyên nước và Năng lượng của Na Uy đã kết luận đầu tuần trước rằng việc hạn chế xuất khẩu điện có thể xảy ra để bảo vệ an ninh năng lượng của nước này".
Tạo tiền lệ nguy hiểm?
Tuy nhiên, TSO của Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch cảnh báo rằng động thái như vậy sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm.
"Nếu các hạn chế xuất khẩu được cho phép theo quy định hiện hành về điện của châu Âu, chúng tôi lo ngại rằng bước đi như vậy có thể truyền cảm hứng cho các quốc gia khác xem xét các hạn chế tương tự và do đó gây ra tác động tiêu cực lớn hơn đối với cả thị trường điện Bắc Âu và châu Âu", TSO của Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan cảnh báo.
Nếu Na Uy thực hiện kế hoạch của họ, cơ quan thực thi hiệp định EEA (ESA) có thể mở cuộc điều tra về hành vi vi phạm tiềm tàng và đưa vụ việc ra tòa án được thành lập cho các quốc gia thuộc Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), trong đó có Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Hiện tại, cơ quan trên cho biết họ không thể đưa ra quan điểm vì Oslo vẫn chưa trình bày chi tiết kế hoạch. Tuy nhiên, họ nêu rõ sẽ “theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Na Uy để đảm bảo tính tương thích của các biện pháp có thể được thực hiện với Thỏa thuận EEA”.