Hai nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất chủ chốt ngay cả khi nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gặp khó khăn, bởi lạm phát cao sẽ còn gây tổn hại nặng nề hơn.
ECB đã và đang tăng lãi suất với tốc độ kỷ lục, đồng thời vẫn hướng tới nhiều đợt tăng lãi suất tiếp theo để đưa lạm phát đang ở mức hai con số của Eurozone trở lại mức mục tiêu 2%.
Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos và Thống đốc Bundesbank (ngân hàng trung ương Đức) Joachim Nagel cho biết điều này sẽ phải trả giá bằng tổn thương đối với nền kinh tế.
Tại một hội nghị ngân hàng của Đức, ông Nagel nói: "Tôi sẽ làm hết sức mình để đảm bảo rằng chúng tôi, hội đồng điều hành của ECB, không bỏ cuộc quá sớm và chúng tôi đang tiếp tục thúc đẩy quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ, ngay cả khi các biện pháp của chúng tôi làm cản trở đà tăng trưởng kinh tế".
Trong khi đó, ông De Guindos cho biết thêm, chính sách của ECB sẽ làm "giảm nhu cầu, cả tiêu dùng và đầu tư, nhưng đó là cách duy nhất có thể làm ngay lúc này, bởi mọi việc sẽ tệ hơn nhiều nếu không hành động gì cả.
Kinh tế Eurozone được cho là sẽ suy giảm trong mùa Đông này, do sự kết hợp của chi phí năng lượng tăng cao, nhu cầu toàn cầu suy yếu và chi phí đi vay cao hơn.
Cả ông de Guindos và Nagel đều ủng hộ việc cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ euro của ECB, vốn được tích lũy trong thập kỷ trước, khi lạm phát còn ở mức quá thấp.
Các thị trường kỳ vọng ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến giữa năm sau, với mức lãi suất cao nhất là khoảng 3%, từ mức 1,5% hiện tại.