Chính phủ Đức có thể áp đặt một số điều kiện đối với các công ty được hưởng lợi từ kế hoạch hỗ trợ giá khí đốt của nước này, trong đó có cam kết tiếp tục hoạt động trong nước hoặc duy trì 90% việc làm mà công ty tạo ra trong một năm.
Sau cuộc họp kéo dài gần hai ngày đến ngày 29/10, ủy ban gồm nhiều chuyên gia của Đức chịu trách nhiệm hoạch định các phương án nhằm giảm thiểu tác động của giá khí đốt đã đề xuất một số điều kiện cụ thể gắn với kế hoạch "phanh" giá năng lượng được đưa ra tháng trước.
Kế hoạch “phanh” giá năng lượng của Đức ấn định một mức giá nhất định, khác với biện pháp áp “giá trần thị trường” mà Liên minh châu Âu tranh luận nhiều tuần qua và chưa thể đi đến nhất trí, một phần do Đức phản đối khi cho rằng biện pháp này có thể gây khó khăn hơn đối với các nguồn cung.
Ủy ban chuyên gia đề xuất các điều kiện gắn với kế hoạch trên nhằm cứu thị trường việc làm và yêu cầu các công ty tiếp tục ở lại Đức, trong bối cảnh các tổ chức công đoàn cảnh báo nhiều công ty vừa và nhỏ, vốn tạo thành “xương sống” của ngành công nghiệp Đức, đang cân nhắc thu hẹp quy mô sản xuất trong nước hoặc chuyển địa điểm sản xuất sang những khu vực có thủ tục hành chính, chi phí năng lượng và thuế thấp hơn.
Theo đề xuất, bất kỳ công ty nào vi phạm các điều kiện sẽ phải hoàn trả chính phủ khoản tiền trợ cấp trong khuôn khổ kế hoạch trên. Một số nguồn thạo tin cho biết chính phủ Đức sẽ chấp thuận các đề xuất của ủy ban trên.
Kể từ năm 2021, giá khí đốt tại Đức đã tăng hơn gấp đôi, đặc biệt kể từ thời điểm xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, bắt đầu từ tháng Hai vừa qua.
Để giảm bớt tác động của những chi phí tăng cao này, Ủy ban giá khí đốt của Đức đã khuyến nghị chính phủ thực hiện mô hình hỗ trợ theo từng giai đoạn cho cả doanh nghiệp và hộ gia đình. Theo đó, tháng trước, Đức đã thông qua gói cứu trợ năng lượng trị giá 200 tỷ euro (hơn 199 tỷ USD), bao gồm kế hoạch “phanh” giá khí đốt và cắt giảm thuế bán nhiên liệu để hỗ trợ các hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo kế hoạch, các hộ gia đình và các công ty nhỏ sẽ được hưởng trợ cấp giá từ tháng 3/2023 đến cuối tháng 4/2024. Riêng các công ty sản xuất công nghiệp, biện pháp này có thể có hiệu lực từ tháng 1/2023.
Ngoài ra, chính phủ Đức sẽ cấp khoản hỗ trợ một lần cho người tiêu dùng khí đốt, dự kiến chi trả vào tháng 12 tới, với tổng chi ước khoảng 12 tỷ euro (11,96 tỷ USD).