Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới quay đầu giảm với vàng giao ngay giảm 18 USD, tương đương 0,71% xuống 2.505,1 SD/ounce.
Sự phục hồi của đồng USD đã gây áp lực lên vàng, khiến vàng mất đi gần 1% và về gần ngưỡng 2.500 USD/ounce. Hiện tại, giới đầu tư vẫn đang “ngóng” dữ liệu lạm phát quan trọng từ nền kinh tế lớn nhất thế giới để tìm manh mối về quy mô cắt giảm lãi suất tiềm năng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 9.
Trong bối cảnh hiện tại, đa số các ý kiến cho rằng, vàng có thể sẽ chậm lại và đảo chiều đi xuống trong khi thị trường chờ đợi dữ liệu lạm phát để điều hướng đi tiếp theo của giá.
Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng, nếu số liệu PCE công bố vào thứ Sáu này thấp hơn dự kiến sẽ thúc đẩy kỳ vọng Fed ôn hòa hơn trong chính sách tiền tệ, điều này sẽ tạo ra tiềm năng tăng giá cho vàng.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường đang định giá khoảng 66,5% khả năng lãi suất tại Mỹ sẽ giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 9 và 34,5% khả năng lãi suất sẽ giảm 50 điểm cơ bản.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các quỹ hoán đổi danh mục vàng đã chứng kiến dòng vốn ròng khiêm tốn là 8 tấn (tương đương 403 triệu USD) vào tuần trước, dẫn đầu là các quỹ tại Bắc Mỹ. Trong khi đó, lượng vàng nhập khẩu của Trung Quốc cũng đã tăng. Là một trong các quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, việc nhu cầu tại Trung Quốc tăng cao có thể hỗ trợ giá vàng trên toàn cầu.
Tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 28/8, vàng miếng SJC đang được các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 81 triệu đồng/lượng.
Ở chiều mua, giá vàng các thương hiệu được niêm yết ở mức 79 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại cũng ổn định quanh 77,3 triệu đồng/lượng mua vào, 78,55 triệu đồng/lượng bán ra.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết khoảng 76,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn khoảng 2,3 triệu đồng và thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 4,8 triệu đồng/lượng.