Tuy nhiên, hơn một nửa các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong lại đến từ Trung Quốc Đại lục. Nếu tính theo tổng giá trị thị trường, các doanh nghiệp của Đại lục chiếm gần 80% giá trị thị trường chứng khoán (TTCK) Hong Kong.
Tính theo doanh số, thị trường chứng khoán Hong Kong luôn ở top đầu thế giới trong nhiều năm, thu hút nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài đến Hong Kong niêm yết.
Tuy nhiên, do năm nay tình hình dịch bệnh ở Hong Kong diễn biến nghiêm trọng, cộng thêm thị trường toàn cầu suy yếu, nên việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Hong Kong có xu hướng trầm lắng trong nửa đầu năm.
Theo báo cáo nghiên cứu do Công ty kiểm toán quốc tế Deloitte Trung Quốc công bố ngày 7/9, trong ba quý đầu năm nay, tổng cộng có 47 cổ phiếu mới được niêm yết trên TTCK Hong Kong, huy động 54,7 tỷ HKD (tương đương 6,97 tỷ USD).
Trong đó, tốc độ niêm yết cổ phiếu mới tăng nhanh trong tháng Bảy và tháng Tám, giúp thứ hạng huy động vốn của Sở giao dịch Hong Kong (HKEX) vươn lên vị trí thứ 4 toàn cầu, chỉ xếp sau Thượng Hải, Thâm Quyến và Hàn Quốc.
Cùng với việc nhiều cổ phiếu của các công ty Trung Quốc có tài sản hoặc thu nhập có hoạt động quan trọng ở Trung Quốc đại lục từ Mỹ quay trở về Hong Kong, vị trí xếp hạng của Hong Kong về huy động vốn thông qua IPO có thể sẽ tăng lên thứ ba toàn cầu vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, số liệu của Công ty kiểm toán quốc tế Deloitte Trung Quốc cũng cho thấy số lượng hồ sơ xin niêm yết trên HKEX đã giảm mạnh trong ba quý đầu năm nay, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đóng vai trò chủ đạo trên thị trường IPO của Hong Kong với tỷ lệ lên đến 89%.
Ngày 7/9, Cục trưởng Cục Tài chính Hong Kong Trần Mậu Ba cũng tiết lộ trong bài phát biểu tại một cuộc hội thảo rằng tính đến cuối tháng 7/2022, đã có 1.400 doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên TTCK Hong Kong, chiếm hơn 50% tổng số doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Hong Kong.
Nếu tính theo tổng giá trị thị trường, các doanh nghiệp Đại lục chiếm gần 80% giá trị thị trường chứng khoán Hong Kong. Tính đến cuối năm 2021, có hơn 600 doanh nghiệp Trung Quốc đặt trụ sở khu vực hoặc văn phòng tại Hong Kong.
Người đứng đầu cơ quan tài chính Hong Kong nhấn mạnh các số liệu trên đã phác họa tầm quan trọng của doanh nghiệp Trung Quốc đối với sự phát triển của Hong Kong, đồng thời cũng thể hiện sự đóng góp của dịch vụ tài chính đối với nền kinh tế thực và sức mạnh thị trường, vai trò tích cực đối với việc thúc đẩy cải cách.
Theo Nhật báo kinh tế Hong Kong (Hong Kong Economic Times), để thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp nước ngoài đến Hong Kong niêm yết, tại diễn đàn tài chính quốc tế Trung Quốc thường niên, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát và quản lý chứng khoán Trung Quốc Phương Tinh Hải nói rằng sẽ áp dụng các biện pháp để mở rộng hợp tác thị trường vốn giữa Trung Quốc và Hong Kong, bao gồm việc đưa các công ty nước ngoài niêm yết trên thị trường Hong Kong vào “kết nối chứng khoán Thượng Hải - Thâm Quyến - Hong Kong”.
Phó Chủ tịch Phương Tinh Hải nhấn mạnh, các biện pháp liên quan sẽ giúp thu hút thêm nhiều doanh nghiệp từ các khu vực khác trên toàn cầu đến Hong Kong niêm yết, là một biện pháp quan trọng để phát huy vai trò trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong, sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác thực chất giữa thị trường vốn Trung Quốc và Hong Kong.
Mặc dù TTCK Hong Kong có một số doanh nghiệp niêm yết quốc tế, nhưng căn cứ vào quy định hiện nay, nhà đầu tư Trung Quốc không thể mua bán cổ phiếu của những doanh nghiệp này. Do đó, một báo cáo phân tích gần đây của Morgan Stanley nhấn mạnh các biện pháp mới có thể thu hút một số doanh nghiệp nước ngoài đến Hong Kong niêm yết.
Tổng thư ký Quỹ trao đổi pháp lý Hong Kong, Tiến sĩ Trần Hiểu Phong cho rằng môi trường pháp lý công bằng và khả năng quản lý giám sát thị trường nghiêm ngặt của Hong Kong luôn nổi tiếng trên thị trường tài chính quốc tế. Ngoài ra, tính thanh khoản của TTCK Hong Kong là lớn, giao dịch sôi động, có thể huy động được nhiều vốn hơn.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh trong gần ba năm trở lại đây, sự kết nối giữa Hong Kong và bên ngoài suy giảm mạnh, các doanh nghiệp nước ngoài đến Hong Kong niêm yết không nhiều khiến thị trường IPO của Hong Kong dường như trở thành “địa bàn riêng” của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Hiểu Phong cho rằng nếu có nhiều hơn các doanh nghiệp nước ngoài đến Hong Kong niêm yết sẽ củng cố địa vị trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong. Do đó, HKEX cần nghiên cứu cải tiến quy định niêm yết, cung cấp sự thuận tiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đến Hong Kong.
Cùng với tình hình dịch bệnh ở Mỹ và châu Âu dần lắng xuống, HKEX cũng có thể tính toán tổ chức các đoàn công tác ra nước ngoài để tuyên truyền, chủ động tranh thủ thu hút doanh nghiệp nước ngoài đến Hong Kong niêm yết.