Chiến dịch nâng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay đã làm xáo trộn tâm lý của các thị trường tài chính toàn cầu. Ngay từ đầu tuần này, sự quan tâm của thị trường tài chính chuyển sang châu Âu, lạm phát dai dẳng hơn và khó kiềm chế hơn. Việc dịch chuyển chính sách này sẽ có thể đảo ngược một số yếu tố trên thị trường trong năm 2022, đặc biệt xét đến diễn biến đồng USD tăng mạnh.
Trong các cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần này, lãi suất chủ chốt của Fed dự kiến sẽ tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm, lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng thêm 0,5 lên 0,75 điểm phần trăm, còn lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng thêm 0,5 điểm phần trăm.
Trong năm tới, hướng điều chỉnh lãi suất của hai ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới nhiều khả năng sẽ diễn biến trái chiều. Nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm chỉ 0,6 điểm phần trăm đến tháng 12/2023 so với mức 1,25 điểm phần trăm của ECB và 1,5 điểm phần trăm của BoE, dữ liệu thị trường của Refinitiv cho hay.
Việc chính sách của một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới diễn biến khác hướng nhau chắc chắn sẽ gây ra những tác động trên thị trường tài chính toàn cầu, nó đẩy cao đồng euro và đồng bảng Anh so với đồng USD, cùng lúc đó kéo giá trái phiếu chính phủ châu Âu xuống thấp so với trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ. Giá trái phiếu giảm đi khi lợi suất tăng lên.
Lạm phát tại cả hai khu vực kinh tế lớn này của thế giới đang bắt đầu giảm đi, tuy nhiên lạm phát tại Mỹ giảm nhanh hơn, lạm phát tại Mỹ tháng 10/2022 đã giảm xuống mức tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đến 1,5 điểm phần trăm so với tháng 6/2022. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, lạm phát tháng 11/2022 giảm xuống còn tăng chỉ 10% so với cùng kỳ từ mức 10,6% của tháng 10/2022. Tại Anh, lạm phát tăng lên 11% trong tháng 10/2022, ngưỡng cao nhất trong 4 thập kỷ.
Kinh tế châu Âu đã vững vàng hơn với những cú sốc từ việc căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, trong đó có việc giá năng lượng tăng cao. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm xuống còn 6,5% trong tháng 10/2022, ngưỡng thấp kỷ lục. Như vậy, ECB vẫn cần phải kiềm chế nhu cầu của người dân hơn nữa.
Hiện tại, trong vòng 2 tháng gần nhất, đồng euro đã tăng khoảng 10 cent so với đồng USD lên ngưỡng 1,05USD/euro bởi nhà đầu tư dự báo nhiều hơn về khả năng Fed chuyển hướng. Đồng tiền chung châu Âu có thể tăng thêm lên ngưỡng 1,15USD/euro trong năm tới khi mà kinh tế Mỹ chững lại và Fed bắt đầu hạ lãi suất, theo các chuyên gia phân tích tại ngân hàng Deustche Bank.
Các quan chức thuộc Fed đã phát đi thông điệp rằng họ chuẩn bị hãm phanh siết chặt chính sách tiền tệ sau khi đã nâng lãi suất 3,75 điểm phần trăm trong năm nay, gần gấp đôi mức độ nâng lãi suất của ECB. Sau 4 lần nâng lãi suất liên tiếp 0,75 điểm phần trăm, nhiều nhà đầu tư dự báo Fed sẽ nâng lãi suất ước tính 0,5 điểm phần trăm lên ngưỡng 4,25% đến 4,5% và rồi lên sát mức 5% vào năm sau và rồi bắt đầu hạ lãi suất từ cuối năm 2023 khi mà kinh tế Mỹ hạ nhiệt. Tuy nhiên, các quan chức Fed gần đây đã phát đi thông điệp lãi suất sẽ có thể tăng cao hơn và duy trì ở ngưỡng đó trong thời gian dài hơn so với tính toán của thị trường.
Các quan chức ECB đã để ngỏ khả năng nâng lãi suất vào ngày thứ Năm, mức tăng ước tính 0,5 đến 0,75 điểm phần trăm từ ngưỡng 1,5% hiện tại. ECB nhiều khả năng sẽ công bố kế hoạch giảm quy mô chương trình mua trái phiếu quy mô nhiều nghìn tỷ USD trong những tháng tới và vì vậy đẩy cao lợi suất trái phiếu khu vực đồng tiền chung châu Âu. Fed đã không ngừng bán trái phiếu tính từ tháng 6/2023. BoE sẽ có thể nâng lãi suất 0,5 và 0,75% trong ngày thứ Năm.
“ECB không thể chống chọi được nếu lãi suất được điều chỉnh giảm trong năm tới bởi ngưỡng này sẽ quá thấp. Tại Mỹ, lãi suất hiện đã quá cao vì vậy vẫn còn dư địa để giảm”, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Commerzbank ở Frankfurt. Sự chênh lệch này sẽ gây sức ép lên đồng USD.