Hy sinh nguồn thu từ môi giới để thu lãi nhiều hơn
Số liệu tổng hợp từ 33 CTCK cho thấy, tỷ trọng của hoạt động môi giới và cho vay chứng khoán trong doanh thu đã quay lại trên mức 50% trong quý III/2024. Tuy nhiên, thực tế, lãi từ cho vay và phải thu lại có vận động trái chiều với doanh thu từ môi giới.
Cùng với việc dư nợ tiếp tục lập kỷ lục, 33 CTCK được thống kê cũng thu được lãi từ cho vay nhiều nhất từ trước đến nay, đạt hơn 5.400 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu từ môi giới chứng khoán lại suy giảm trong quý III/2024 xuống còn hơn 2.800 tỷ đồng.
Ngoài nguyên nhân từ thị trường kém thuận lợi trong quý vừa qua, một yếu tố không kém phần quan trọng khiến chênh lệch giữa 2 nguồn thu được nới rộng ra là sự cạnh tranh khốc liệt hơn đến từ các CTCK trong ngành.
Thực tế, kể từ sau quý I/2022, nguồn thu từ môi giới đã liên tục suy yếu trước sự mạnh lên của hoạt động cho vay chứng khoán. Đây là diễn biến đi theo những chính sách cắt giảm phí môi giới, hay Zero fee được các CTCK tung ra trong một vài năm trở lại đây.
Những công ty chứng khoán như DNSE, Pinetree, TCBS đã tiên phong trong xu hướng Zero fee với việc chỉ còn thu hộ các khoản phí của sở. Còn các công ty như Shinhan, MBS, FPTS cũng đang tiếp bước theo, từ đó cho thấy một bức tranh rõ hơn về cuộc đua trong ngành chứng khoán.
Cho vay linh hoạt và cũng có sự cạnh tranh
Không chỉ từ bỏ nguồn thu từ phí giao dịch, nhiều CTCK còn áp dụng gói cho vay linh hoạt trong các chương trình cho vay.
Gần đây, ngoài chương trình Zero fee trọn đời, Chứng khoán MBS đưa ra chính sách lãi suất 7,7%/năm khách hàng mới có hạn mức dư nợ gốc 5 tỷ đồng/tài khoản, phần dư nợ vượt áp dụng lãi suất chung 12,5%/năm. Hạn mức tổng là 1.000 tỷ đồng và được áp áp dụng từ 04/10/2024 – 31/12/2024.
Trong khi đó, Chứng khoán DNSE triển khai cùng lúc nhiều gói vay margin, với lãi suất chỉ từ 5,99%. Bên cạnh đó là các gói miễn lãi với giao dịch lướt sóng, thậm chí nhà đầu tư có thể tự đề xuất gói vay theo mong muốn của mình.
Còn Chứng khoán Shinhan đến từ Hàn Quốc miễn lãi còn 0% trong 2 tháng giao dịch đầu tiên và ưu đãi lãi 6,8% cho 4 tháng tiếp theo cùng một số điều kiện cho khách hàng mới.
Theo đánh giá của một chuyên gia chứng khoán, mặc dù dư nợ cho vay chứng khoán đã liên tục lập kỷ lục trong thời gian vừa qua nhưng hầu hết các công ty đều đang trong tình trạng "dư thừa margin". Để thu hút khách hàng cá nhân, các công ty đã đưa ra các gói cho vay ưu đãi kèm thêm một số điều kiện. Thực tế, mức lãi suất phổ biến hiện vẫn được duy trì trên 10%/năm.
Ngoài ra, theo Fiintrade, các CTCK cũng dành đáng kể nguồn vốn cho vay tới các khách hàng "tay to" là nhà đầu tư tổ chức hoặc các cổ đông lớn tại doanh nghiệp theo dạng theo "deal".
Điều này dẫn đến giá trị cho vay margin tiếp tục tăng lập đỉnh mới trong quý III/2024, nhưng thanh khoản chung kém đi và cá nhân giảm mua ròng. Cùng với đó, tỷ lệ đòn bẩy (Tỷ lệ giữa Margin/Tổng vốn hóa điều chỉnh theo free-float) và tỷ lệ margin/GTGD bình quân duy trì ở mức cao trong quý III/2024.