Credit Suisse và cuộc khủng hoảng chấm dứt 167 năm tồn tại

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD. Thỏa thuận này đã chấm dứt 167 năm tồn tại của Credit Suisse với tư cách một tổ chức độc lập.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Credit Suisse và cuộc khủng hoảng chấm dứt 167 năm tồn tại

Hôm 19/3, Ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD. Thỏa thuận này đã chấm dứt 167 năm tồn tại của Credit Suisse với tư cách một tổ chức độc lập.

Chủ tịch UBS Colm Kelleher cho biết việc tiếp quản Credit Suisse là một cuộc giải cứu khẩn cấp. Bởi khủng hoảng tại Credit Suisse là đòn giáng mạnh với Thụy Sỹ - đất nước có 243 ngân hàng và 24 chi nhánh nhà băng quốc tế.

Điều gì đã xảy ra tại Credit Suisse?

Giá cổ phiếu Credit Suisse lao dốc đột ngột ngày thứ Tư (15/3) sau khi cổ đông lớn nhất của nhà băng này là Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia (SNB) cho biết họ không thể bơm thêm tiền mặt cho Credit Suisse, bởi sẽ chạm tới mức trần sở hữu tối đa 10%.

Thông tin này ngay lập tức gây chấn động các thị trường tài chính, khiến cổ phiếu của các nhà băng khác như Deutsche Bank, UBS và các ngân hàng châu Âu đồng loạt lao dốc.

Tuy nhiên, việc Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia không bơm thêm tiền chỉ là “giọt nước tràn ly”. Trong hai tuần trở lại đây, niềm tin của nhà đầu tư vào Credit Suisse càng lung lay do vụ sụp đổ của 3 ngân hàng Mỹ gồm Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank. Thêm vào đó, Credit Suisse đã gặp rắc rối trong nhiều năm.

Credit Suisse thành lập năm 1856 và là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới. Nhà băng này được Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB) xếp vào nhóm "ngân hàng có tầm quan trọng với hệ thống tài chính toàn cầu". Nhóm này gồm 30 ngân hàng trên thế giới, trong đó có JP Morgan Chase, Bank of America và Bank of China.

Tuy nhiên, năm ngoái, ở thời điểm các công ty tại Wall Street đều báo lãi, Credit Suisse lại lỗ 3 quý liên tiếp. Ngân hàng này cũng cấp tín dụng cho Archegos Capital Management - quỹ đầu tư đã sụp đổ năm 2021 của Bill Hwang và lỗ 5,5 tỷ USD vì không rút chân nhanh như các đối thủ Goldman Sachs, Morgan Stanley. Nhà băng này cũng đang vướng vào các vụ kiện tụng có thể kéo dài 5 năm do các khoản vay cấp cho quỹ đầu tư Greensill Capital đã phá sản.

Hồi tháng 10/2022, Credit Suisse bị giới chức Mỹ và Anh phạt 475 triệu USD vì cho vay các công ty quốc doanh tại Mozambique. Nhà băng này cũng vướng vào cáo buộc cho phép những kẻ buôn ma túy rửa tiền tại Bulgaria. Credit Suisse năm ngoái đã phải hoãn kế hoạch tăng vốn cho một quỹ đầu tư bất động sản, với lý do biến động thị trường.

Hàng loạt scandal liên tiếp khiến cổ phiếu Credit Suisse năm ngoái giảm gần 70%. Các khách hàng cũng lo ngại về sức khỏe của nhà băng này và rút tiền kỷ lục trong quý 4, với hơn 110 tỷ franc Thụy Sỹ (120 tỷ USD). Credit Suisse ghi nhận lỗ ròng gần 7,3 tỷ franc Thụy Sỹ (7,9 tỷ USD) năm ngoái - lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.

CEO Ulrich Koerner sau đó đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp để thu hút khách hàng quay lại. Kế hoạch 3 năm mà ông công bố năm ngoái gồm cắt giảm 9.000 việc làm, tách riêng mảng ngân hàng đầu tư và đưa Credit Suisse quay về làm ngân hàng cho giới siêu giàu. Việc này đồng nghĩa họ sẽ phải tách First Boston – ngân hàng đầu tư Mỹ được mua năm 1990, để niêm yết năm 2025.

Họ cũng sẽ phải bán mảng các sản phẩm chứng khoán hóa cho quỹ đầu tư Apollo Global Management. Tuy nhiên, việc này hiện gặp khó do làn sóng bán tháo trong ngành tài chính sau vụ sụp đổ của SVB và Signature Bank.

Những nỗ lực trên phát huy hiệu quả phần nào trong tháng 1, khi Credit Suisse ghi nhận tiền gửi ròng tăng lên. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) lại nghi ngờ độ chính xác của báo cáo tài chính năm 2022, buộc họ hoãn công bố.

Trước những rắc rối, Credit Suisse phải tìm đến Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ để trấn an thị trường. Thông báo chung hôm 15/3 của Cơ quan quản lý thị trường Tài chính Thụy Sỹ (FINMA) và Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) cho biết Credit Suisse đáp ứng "các quy định khắt khe về vốn và thanh khoản" với một ngân hàng có tầm quan trọng lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu. Họ khẳng định "sẽ cấp thanh khoản cho Credit Suisse nếu cần thiết".

Sau đó vài giờ, Credit Suisse cũng tuyên bố sẽ vay tối đa 50 tỷ franc Thụy Sỹ (53,7 tỷ USD) từ Ngân hàng Trung ương. Với "sự giải cứu" của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ, Credit Suisse trở thành nhà băng lớn đầu tiên được nhà quản lý can thiệp kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuy nhiên, bất chấp khoản vay cứu trợ khẩn cấp của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ, cổ phiếu của Credit Suisse đã mất 25% giá trị trong tuần trước. Chỉ trong ba ngày 13-15/3, hơn 450 triệu USD bị rút khỏi các quỹ do Credit Suisse quản lý ở châu Âu và Mỹ, theo số liệu của Morningstar.

Mất tư cách một tổ chức độc lập để ngăn khủng hoảng

Rắc rối của Credit Suisse khiến các thị trường châu Âu và toàn cầu ảnh hưởng. Nhà băng này là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam Credit Suisse cũng là đối tác của một số doanh nghiệp lớn.

Nếu Credit Suisse sụp đổ, ảnh hưởng đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ lớn hơn nhiều so với việc sụp đổ ngân hàng khu vực ở Mỹ.

Bảng cân đối kế toán của Credit Suisse lớn gấp khoảng 2 lần của Lehman Brothers ở thời điểm ngân hàng đầu tư Mỹ này sụp đổ và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Vào cuối năm 2022, giá trị bảng cân đối kế toán của Credit Suisse là khoảng 530 tỷ Franc Thuỵ Sỹ.

Mối lo này gây áp lực đòi các nhà chức trách Thuỵ Sỹ phải thúc đẩy sự sáp nhập của ngân hàng này vào UBS.

“Với việc Credit Suisse được UBS mua lại, một giải pháp đã được tìm thấy để đảm bảo ổn định tài chính và bảo vệ nền kinh tế Thuỵ Sỹ trong tình huống khác thường này”, một tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) cho biết.

Việc đưa hai ngân hàng đối thủ gộp làm một không phải là một việc dễ dàng, nhưng áp lực ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hệ thống cuối cùng đã thắng.

Trong buổi họp báo hôm 19/3, Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann thừa nhận những rắc rối ngân hàng gần đây ở Mỹ đã vượt quá sức chịu đựng của thị trường. "Sự mất lòng tin ngày càng tăng và tình trạng tồi tệ vài ngày qua cho thấy Credit Suisse không thể tiếp tục tồn tại dưới hình thức như hiện nay", Lehmann nói.

Chủ tịch của UBS Colm Kelleher cũng khẳng định: "Đây là một cuộc giải cứu khẩn cấp. Không còn lựa chọn nào khác cả. Đó là vấn đề sống còn đối với cấu trúc tài chính của Thuỵ Sỹ và đối với nền tài chính toàn cầu”.

Được biết, trước khi đi đến thỏa thuận như hiện nay, có lúc UBS đề nghị mua lại Credit Suisse giá 1 tỷ USD, với tỷ lệ hoán đổi một cổ phiếu Credit Suisse tương đương 0,25 franc Thụy Sỹ, thấp hơn nhiều mức giá đóng cửa hôm thứ Sáu, là 1,86 franc Thụy Sỹ.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE