Cuối tuần này, các nhà đầu tư trên khắp thế giới sẽ đổ về Omaha để tham dự đại hội cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway. Trong lúc môi trường kinh tế vĩ mô có nhiều biến động như hiện nay, các cổ đông của Berkshire lại cảm thấy tương đối dễ chịu, bởi cổ phiếu này không chỉ đang giao dịch ở gần mức cao nhất mọi thời đại mà còn là 1 “hầm trú ẩn an toàn” trong những lúc giông bão.
Cổ phiếu Berkshire vẫn có lịch sử diễn biến vượt trội so với chỉ số S&P 500 trong các cuộc suy thoái, và đặc biệt là tăng điểm tốt trong những giai đoạn “thị trường con gấu”, theo dữ liệu từ Bespoke Investment Group.
Trong 6 cuộc suy thoái kể từ năm 1980 tới nay, trung bình cổ phiếu Berkshire tăng cao hơn 4,41 điểm phần trăm so với S&P 500. Ấn tượng hơn, trong cùng kỳ, mỗi lần S&P 500 giảm 20% thì mức chênh lệch lên tới 14,89 điểm phần trăm.
Đối với Warren Buffett, tất nhiên điều này có được không phải nhờ tình cờ mà là kết quả của nhiều thập kỷ luôn tập trung vào dài hạn.
Nổi tiếng với phong cách đầu tư giá trị, “nhà tiên tri xứ Ohama” thường đặt cược dài hạn vào những công ty có nền tảng vững chắc mà ông cho là sẽ tăng trưởng tốt trong tương lai.
Một trong những “món hời” đáng chú ý nhất mà Berkshire đã tìm ra trong những năm gần đây là Apple, cổ phiếu mà ông bắt đầu mua vào từ năm 2016 và được so sánh với khoản đầu tư huyền thoại vào Coca-Cola. Cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone vẫn diễn biến tốt trong các giai đoạn thị trường giá xuống và trở thành động lực chính giúp Berkshire vượt trội khi chiếm gần 45% danh mục.
Theo CNBC, cổ phiếu Apple đóng góp tới 25% giá trị vốn hóa của Berkshire. Kể từ đầu năm đến nay, cổ Apple đã tăng giá 27%. Trong cùng kỳ, cổ phiếu Berkshire loại A tăng hơn 4%, kém hơn một chút so với mức tăng của chỉ số S&P 500 nhưng vẫn đang ở gần mức cao nhất 52 tuần. Cổ phiếu Berkshire loại A hiện giao dịch ở mức gần 500.000 USD.
Với mức giá này, hiện đây vẫn là cổ phiếu đắt giá nhất thế giới. Trừ khi Buffett quyết định chia tách, có lẽ ngôi vị này vẫn sẽ tiếp tục thuộc về Berkshire - tập đoàn đang hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực từ bảo hiểm, năng lượng, đường sắt, sản xuất, bán lẻ đến dịch vụ.
Các cổ đông Berkshire hiểu rõ giá trị của việc nắm giữ cổ phiếu trong 1 thời gian dài hơn bất kỳ ai. “Phần lớn cổ đông xuất hiện tại Omaha đã ngoài 60 tuổi. Họ trở nên giàu có nhờ sở hữu cổ phiếu Berkshire”, Bill Smead – nhà sáng lập kiêm chủ tịch của quỹ đầu tư Smead Capital Management và cũng là cổ đông của Berkshire nói.
Tất nhiên không phải lúc nào Buffett cũng chiến thắng thị trường. Ngay đầu đại dịch Covid-19, nhà đầu tư tỷ phú đã bán ra toàn bộ các cổ phiếu hàng không mà ông đang sở hữu và lỗ lớn.
Đôi lúc quan điểm bảo thủ cũng khiến ông bị bỏ lại phía sau trong các giai đoạn thị trường giá lên. Tuy nhiên đây là điều quan trọng giúp Buffett đánh bại thị trường khi sóng gió ập đến.
Và ông có thể làm được điều đó là nhờ sở hữu 1 lượng tiền mặt khổng lồ. Trong khi lợi nhuận hoạt động của Berkshire sụt giảm trong quý IV/2022, tiền mặt lại tăng từ 109 tỷ USD trong quý III lên gần 129 tỷ USD. Buffett cho biết Berkshire sẽ tiếp tục tăng nắm giữ tiền mặt và trái phiếu kho bạc Mỹ.
“Chúng tôi cũng tránh những hành vi có thể làm nảy sinh nhu cầu tiền mặt không cần thiết trong giai đoạn khó khăn. Và các cổ đông của Berkshire sẽ tiếp tục tiết kiệm và trở nên thịnh vượng bằng cách giữ lại lợi nhuận. Ở Berkshire, không bao giờ có điểm kết thúc”, ông viết trong 1 lá thư gửi cổ đông.
Các công ty bảo hiểm trực thuộc Berkshire có lợi nhuận rất tốt và là những cỗ máy tạo tiền mặt khổng lồ. Ông mua công ty bảo hiểm đầu tiên – National Indemnity – từ cách đây hơn nửa thế kỷ và đó chính là nguồn tạo ra tiền mặt để Berkshire thực hiện các vụ đầu tư sau đó. Năm ngoái, ông chi 11,6 tỷ USD mua công ty bảo hiểm Alleghany. Đó là thương vụ lớn nhất của Buffett kể từ 2016.
Trong quá khứ Buffett từng gọi đầu tư là “1 trò chơi đơn giản”, và nhận định này đã được ông chứng minh bằng cả sự nghiệp. Từ năm 1965 đến 2022, cổ phiếu Berkshire có mức tăng trưởng kép hàng năm đạt 19,8%, so với mức 9,9% của chỉ số S&P 500 trong cùng kỳ.