Chỉ số S&P 500 tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Sáu, chỉ số chạm ngưỡng 4.300 điểm lần đầu tiên tính từ tháng 8/2022 khi mà nhà đầu tư quan tâm đến số liệu lạm phát cũng như tuyên bố chính sách mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chỉ số S&P 500 tăng 0,11% lên 4.298,86 điểm; chỉ số Nasdaq tăng 0,16% lên 13.259,14 điểm; chỉ số Dow Jones tăng 43,17 điểm tương đương 0,13% lên 33.876,78 điểm, đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của Dow Jones.
Tính cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 0,39%, đây là tuần tăng điểm thứ 4 của chỉ số này. Lần gần nhất chỉ số có chuỗi thời gian tăng điểm dài như vậy là vào tháng 8/2022. Chỉ số Nasdaq tăng 0,14%, có tuần tăng điểm thứ 7 liên tiếp, chuỗi thời gian tăng điểm mạnh nhất tính từ tháng 11/2019. Chỉ số Dow Jones tăng 0,34% trong tuần.
Nhà đầu tư lạc quan bởi những dấu hiệu cho thấy rằng nhiều cổ phiếu trên thị trường, trong đó có những cổ phiếu giá trị vốn hóa nhỏ, cũng tăng điểm trong đợt tăng chung của thị trường này. Chỉ số Russell 2000 giảm nhẹ trong ngày giao dịch, tuy nhiên tính cả tuần vẫn tăng được 1,9%.
“Đây là tuần đầu tiên trong nhiều tuần trở lại đây nhà đầu tư cảm thấy có chút yên tâm, theo tôi nó có thể coi như bước ngoặt cho tâm lý bi quan bao trùm thị trường trước đó”, CEO tại quỹ AXS Investments – ông Greg Bassuk phân tích.
“Chúng tôi nghĩ rằng khi thời gian qua đi, sẽ xuất hiện thêm ngày một nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế vững vàng hơn so với tính toán của các chuyên gia. Các cổ phiếu chu kỳ và cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ cũng có lý do để tăng”, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại quỹ Horizon Investments – ông Scott Ladner phân tích.
Thị trường hiện đang chờ đợi thông tin về chỉ số giá tiêu dùng cũng như kết quả từ cuộc họp của Ủy ban thị trường mở thuộc Fed (FOMC). Thị trường hiện nay đang dự báo khả năng Fed sẽ hoãn nâng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 6/2023 lên đến 71%, theo CME FedWatch Tool.
Lợi nhuận doanh nghiệp được dự báo giảm 6,4% trong quý 2/2023.
Lợi nhuận doanh nghiệp trong nhóm S&P 500 dự kiến sẽ được công bố giảm đến quý thứ 3 liên tiếp, theo tính toán vào ngày thứ Sáu của FactSet.
Lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ quý 2/2023 được tính toán đã giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước, đây sẽ là mức hạ lớn nhất tính từ quý 2/2020 khi mà đại dịch COVID-19 đang diễn biến căng thẳng.
Những nỗi lo về kinh tế toàn cầu không khỏi gây ảnh hưởng đến diễn biến của thị trường dầu cũng như làm giảm tác động từ quyết định hạ sản lượng của Saudi Arabia, theo khẳng định của một điều hành cấp cao thuộc công ty năng lượng Chevron nói với Reuters vào ngày thứ Năm.
Giá dầu hạ hơn 1USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu và như vậy ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi mà số liệu kinh tế Trung Quốc gây thất vọng không khỏi khiến nhiều người lo lắng về triển vọng nhu cầu toàn cầu kể cả sau khi Saudi Arabia quyết định giảm sản lượng dầu.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai hạ 1,17USD/thùng tương đương 1,5% xuống 74,79USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI hạ 1,12USD/thùng tương đương 1,6% xuống 70,17USD/thùng.
Cả hai loại giá dầu hạ hơn 3USD/thùng trong phiên ngày thứ Năm trước đó sau khi có thông tin cho thấy thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran đang dần được chốt và kết quả, thị trường sẽ có thêm nguồn cung dầu. Giá dầu lấy lại phần nào đà sụt giảm sau khi cả hai quốc gia đều lên tiếng bác bỏ thông tin trên.