Theo trang oilprice.com, chiến lược đầu tiên trong số này là ban hành dự luật “Không OPEC” (NOPEC). Diễn biến trong hai tuần qua cho thấy nếu dự luật NOPEC được ban hành, thì tập đoàn Saudi Aramco của Saudi Arabia sẽ có hai hướng đi. Một là phải chia thành các công ty nhỏ hơn nhiều và không có khả năng ảnh hưởng đến giá dầu, từ đó làm giảm giá trị tài sản ròng của tập đoàn này xuống 0 chỉ trong chốc lát. Hai là phải đối mặt với toàn bộ luật chống độc quyền của Mỹ và các luật tương tự của tất cả đồng minh của Mỹ.
Ngoài tất cả những điều này, dự luật NOPEC sẽ ngay lập tức xóa bỏ mọi quyền miễn trừ quốc gia dành cho Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và thành viên tại các tòa án Mỹ.
Điều này sẽ khiến khối tài sản trị giá 1.000 tỷ USD của Saudi Arabia tại Mỹ bị tịch thu trong các vụ kiện liên quan đến một loạt cáo buộc, trong đó có cả vai trò của Saudi Arabia trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ.
Một cơ sở dự trữ dầu thô tại Cushing, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Hai trụ cột khác của ông Biden để đối phó với Saudi Arabia không nhằm trực tiếp triệt tiêu sức mạnh của tập đoàn Saudi Aramco hay Thái tử nước này một cách nhanh chóng mà sẽ diễn ra từ từ. Với cách này, sẽ không thể có những lần cắt giảm sản lượng dầu tiếp theo, từ đó kéo giá dầu Brent xuống mức 40-75 USD/thùng. Đây là mức giá mà Mỹ coi là tối ưu cho nền kinh tế của mình và các đồng minh.
Chiến lược thứ hai sẽ là tiếp tục giải phóng dầu thô từ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR). Cùng với các đợt xả SPR thông thường trước đây để làm giảm giá dầu, đợt xả kho dự trữ dầu chiến lược cuối cùng trong loạt đợt này sẽ diễn ra vào tháng 12 với 15 triệu thùng dầu thô. Tuy nhiên, các đợt xả kho dầu như vậy sẽ không kết thúc với chương trình hiện tại.
Tổng thống Biden tuyên bố: “Tôi đã nói với đội ngũ của tôi chuẩn bị tìm kiếm các đợt xả dầu tiếp theo trong những tháng tới nếu cần thiết… Chúng tôi gọi đó là kế hoạch sẵn sàng và xả. Điều này cho phép chúng ta hành động nhanh chóng để ngăn chặn giá dầu tăng đột biến và ứng phó với các sự kiện quốc tế”.
Mặc dù các yếu tố khác đã xuất hiện vào lúc này hay lúc khác kể từ khi bùng nổ xung đột Nga - Ukraine, nhưng đợt xả lịch sử 1 triệu thùng dầu/ngày từ SPR của Mỹ trong khoảng thời gian 6 tháng đã có hiệu quả đáng kể trong làm giảm giá dầu xuống từ mức 100 USD.
Một trạm xăng ở Alhambra, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Chiến lược thứ ba của kế hoạch hạ giá dầu là nỗ lực phối hợp để khuyến khích các công ty dầu mỏ Mỹ tăng sản lượng. Hồi tháng 3, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nói rằng chính quyền của Tổng thống Biden đã bắt đầu thực hiện các bước có thể làm cho nguồn cung năng lượng trong nước tăng đáng kể vào cuối năm nay.
Tiến độ của những nỗ lực đó đã bị chậm lại do hàng loạt sự kiện khác xung quanh xung đột Nga – Ukraine. Tuy nhiên, các bình luận của ông Granholm cho thấy những cam kết về năng lượng xanh khi ông Biden mới nhậm chức đã phải nhường đường cho động thái khác khi mà giá dầu và giá khí đốt cao gây thiệt hại kinh tế cho Mỹ, có thể chặn cơ hội chiến thắng trong các cuộc bầu cử.
Theo ông Granholm, Mỹ đang nỗ lực để tìm nguồn cung dầu toàn cầu mới với số lượng ít nhất 3 triệu thùng dầu/ngày. Một số giám đốc điều hành dầu khí cấp cao đảm bảo rằng các công ty sẽ tăng đáng kể đầu tư và đưa các giàn khoan mới vào hoạt động.
Còn một chiến lược nữa được công bố vào tuần trước, mặc dù ít có khả năng thành công nhất, là gây áp lực buộc các công ty dầu phải chuyển bớt khoản tiền lợi nhuận cho người tiêu dùng. Một quan chức chính quyền ông Biden cho biết: “Lợi nhuận mà các công ty lọc dầu đang thu được trên mỗi gallon xăng cao gấp đôi so với mức thông thường vào thời điểm này trong năm, và lợi nhuận của người bán lại so với giá tại nhà máy lọc dầu cao hơn 40% so với mức thông thường. Tổng thống sẽ nhắc lại rằng lợi nhuận quá lớn là không phù hợp, đặc biệt là vào thời điểm xung đột và sẽ kêu gọi các công ty chuyển khoản tiền này cho người tiêu dùng”.