Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã đề xuất mức trần giá khí đốt ở mức 275 euro/MWh (2.974 euro/1.000 mét khối). Trong khi đó, mức trần giá dầu vừa được thống nhất là 60 USD/thùng với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Điều này có vẻ hợp lý hơn một chút, vì giá dầu hiện tại là 83 USD/thùng. Nhưng do Nga đang bán dầu với chiết khấu 20-30%, giá thực tế theo hợp đồng là khoảng 60 USD/thùng. Vì vậy, không có tác động thực sự với mức trần giá dầu ở trên.
Thật vậy, Hạ viện Nga đã thông qua ngân sách 2022-2025 ngày 30/11 với giả định giá dầu là 70 USD/thùng cho năm nay giảm xuống còn 65 USD/thùng năm 2025, vì vậy mức trần này có thể cắt giảm doanh thu của Nga nếu nó được thực hiện, nhưng là rất ít. Trong khi đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng sẽ không bán dầu cho những nước áp dụng mức giá trần trên.
Hậu quả của việc Nga từ chối xuất khẩu dầu cho các khách hàng phương Tây muốn sử dụng giới hạn giá sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu. Nhưng tại sao lệnh trừng phạt này chỉ mang ý nghĩa tượng trưng và tại sao EC áp đặt các biện pháp trừng phạt này sẽ không tạo ra sự khác biệt trong thời gian tới? Câu hỏi quan trọng khác đặt ra là: ai sẽ người cuối cùng trả chi phí cho các biện pháp trừng phạt?
Trước hết, chúng ta nên lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt với 2 giới hạn giá trên được cho là sẽ gây trở ngại cho Điện Kremlin và làm giảm doanh thu của Moskva. Điều đó rõ ràng sẽ không xảy ra. Doanh thu của Điện Kremlin sẽ hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi trần giá khí đốt, và có lẽ sẽ chỉ bị ảnh hưởng nhẹ bởi các lệnh trừng phạt dầu mỏ, nếu Nga tuân theo mà điều này sẽ không xảy ra.
Về khí đốt, lý do khiến EC phải cân nhắc là khá rõ ràng: không có cách nào để thay thế 60 tỷ mét khối khí đốt mà Nga đã chuyển trong năm nay - một nửa so với mức bình thường - vì vậy EC không thể mạo hiểm cắt nguồn cung cấp khí đốt của Nga trong ít nhất hai năm, giai đoạn để đầu tư lớn vào các nguồn cung cấp năng lượng thay thế như năng lượng tái tạo.
Với dầu, EC có thể "dễ thở" hơn hơn, do đó áp giá trần thực tế hơn một chút, vì có thể nhập dầu từ những nơi như Trung Đông, nhưng điều đó cũng cần phải chờ đợi. Gần đây, OPEC+ được cho là đã đảo ngược quyết định về việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày (bpd) (số lượng Nga xuất sang châu Âu) và thay vào đó sẽ tăng sản lượng thêm 500.000 bpd, điều này có thể giúp giảm nhẹ lượng dầu bị thiếu của Nga.
Có vẻ như OPEC+ đã hoàn toàn lường trước được việc Nga thực hiện lời đe dọa cắt đứt nguồn cung cho bất kỳ ai áp đặt mức giá trần và sẵn sàng tăng sản lượng của mình. Nói một cách dễ hiểu, quyết định của OPEC+ về việc tăng sản lượng sẽ được đưa ra tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 4/12 tới, một ngày trước khi lệnh cấm vận dầu của EC có hiệu lực, khi tất cả các chi tiết về mức trần giá dầu được xác định.
Rõ ràng việc đề ra mức giá trần trên chủ yếu mang yếu tố chính trị: Phương Tây muốn thể hiện họ phải làm gì đó và gây chú ý bằng việc đánh vào xuất khẩu dầu khí của Nga với cơ chế giới hạn giá thực sự là lựa chọn duy nhất.
Vấn đề thực tế là việc cấm xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga lại không phải là một phương án hiệu quả. Thay vì mục tiêu "phá hoại" nền kinh tế Nga, EU sẽ phá hủy nền kinh tế của chính mình. Và nhờ vào "các lỗ hổng" trong xuất khẩu dầu, ví dụ như trong một phần của các cuộc đàm phán về gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Moskva, vận tải biển của Hy Lạp một lần nữa được miễn trừ mới - nền kinh tế Nga sẽ phát triển tốt hơn nhiều so với EU trong ngắn hạn và trung hạn. Trong khi đó, Nga đã đặt nền kinh tế của mình vào tình trạng thời chiến, nhưng EU thì không.
Do phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga, châu Âu khó có thể cắt đứt ngay lập tức nguồn cung của Moskva. Ảnh: AP
Kết quả rõ ràng là phương Tây đã đánh giá quá cao khả năng làm tổn thương Nga. Đơn giản là tác động của nó quá lớn, khi Nga đã hội nhập quá sâu vào nền kinh tế toàn cầu và có quá nhiều sức mạnh thị trường đối với nhiều yếu tố đầu vào thiết yếu. Trong khi Mỹ đang ở một vị thế mạnh hơn nhiều, vì nước này chủ yếu tự cung tự cấp được nhiều thứ, bao gồm thực phẩm, kim loại, năng lượng và hóa chất, nhưng EU thì không. EU nhập khẩu quá nhiều nguyên liệu thô quan trọng và quá nhiều năng lượng từ Nga, nên khó có thể cắt đứt trong một sớm một chiều.
Và đây cũng không phải là lần đầu tiên phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt mang tính "tượng trưng" như trên đối với Nga mà không có tác dụng thực sự nào khác ngoài việc tạo ra một "tiếng vang". Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, EU đã đưa ra các biện pháp trừng phạt “khắc nghiệt”, nhưng thực ra những lệnh trừng phạt này không có gì khác ngoài việc tịch thu tài sản và ban hành lệnh cấm đi lại đối với các cá nhân trực tiếp tham gia vào việc sáp nhập – tức là những điều không có tác dụng tạo ra khác biệt lớn.
Theo thời gian, danh sách các biện pháp trừng phạt được mở rộng, nhưng một lần nữa, điều này không tạo ra sự khác biệt thực sự nào đối với nền kinh tế Nga.
Nói tóm lại, gần như tất cả các biện pháp trừng phạt được áp đặt trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm nay chủ yếu mang tính tượng trưng. Chỉ kể từ sau tháng 2, các biện pháp trừng phạt thực sự mới bắt đầu xuất hiện, nhưng ngay cả khi đó, EU vẫn tiếp tục thận trọng để tránh các hiệu ứng boomerang (những hậu quả không mong muốn).
Căn nguyên của thất bại trong áp đặt các biện pháp trừng phạt thực sự đối với Nga là do EU gần như hoàn toàn không muốn gây tổn hại cho ngành công nghiệp của mình. Trong khi đó, vì Mỹ không can dự nhiều vào nền kinh tế Nga nên họ sẵn sàng tăng cường các biện pháp hơn.