Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 7/2024, trong đó dự đoán các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng dương trong các năm 2024 và 2025, với lạm phát ở mức vừa phải.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế ADB, leo thang xung đột giữa Nga-Ukraine và căng thẳng ở Trung Đông có thể làm suy yếu chuỗi cung ứng, khiến giá dầu tăng. Các rủi ro khác bao gồm sự yếu ớt trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và các điều kiện thời tiết bất lợi. Trong khi đó, bất ổn chính trị xung quanh kết quả bầu cử ở Mỹ có thể làm lu mờ triển vọng.
Các cuộc tấn công vào tàu chở hàng thương mại do căng thẳng ở Biển Đỏ kể từ cuối năm 2023, đặc biệt là trên các tuyến vận chuyển Âu–Á, cũng khiến chi phí vận chuyển tăng đột biến, từ đó thổi bùng lên áp lực lạm phát.
Trong khi đó, do tồn kho dồi dào và nhu cầu yếu nên mặc dù thời gian vận chuyển bị kéo dài, tình trạng thiếu hụt trầm trọng vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, các chuyên gia của ADB cho rằng điều này có thể thay đổi nếu các điều kiện trở nên tồi tệ hơn.
Vào giữa tháng 4/2024, các sự kiện liên quan đến xung đột ở Trung Đông đã khiến giá dầu biến động. Mặc dù sau đó giá dầu vẫn được duy trì ở dưới ngưỡng 100 USD/thùng, nhưng bất kỳ sự leo thang xung đột nào cũng có thể khiến giá tăng vọt.
Tại Mỹ, trong khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được cho là sẽ giảm lãi suất trong năm 2024, nhưng sự không chắc chắn đang bao trùm, do lạm phát tại Mỹ đã tăng bất ngờ trong tháng 3/2024.
Phân tích của ADB chỉ ra rằng nếu lãi suất của Mỹ không thay đổi trong suốt năm 2024, các đồng tiền ở châu Á sẽ mất giá. Điều này trên thực tế đã xảy ra ở một số nền kinh tế khu vực. Thực tế là sự mất giá của đồng nội tệ có thể thúc đẩy cạnh tranh xuất khẩu và hỗ trợ tăng trưởng. Nhưng theo các chuyên gia, tác động đối với tăng trưởng sẽ ít hơn tác động đối với lạm phát.
Một rủi ro khác liên quan đến căng thẳng trên thị trường bất động sản Trung Quốc. Sự suy yếu kéo dài của thị trường này có thể tác động tiêu cực đến tâm lý tiêu dùng và nhu cầu trong nước.
Các ngành nghề liên quan như xây dựng cũng sẽ bị ảnh hưởng, làm xói mòn hoạt động kinh tế tổng thể. Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng và đầu tư thấp hơn cũng có thể làm hạ nhiệt dòng chảy thương mại toàn cầu, gây tổn hại cho các nền kinh tế định hướng xuất khẩu.
Các chuyên gia ADB cho rằng điều kiện thời tiết xấu hơn dự kiến cũng là một biến số, có khả năng làm tăng giá hàng hóa và đe dọa an ninh lương thực. Tuy nhiên, điều tích cực là hiện tượng La Niña dự kiến sẽ xuất hiện vào cuối năm nay với nhiệt độ mát hơn và lượng mưa nhiều hơn ở những khu vực khô như Đông Nam Á. Điều này có thể sẽ hỗ trợ gieo trồng.
Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách cần cảnh giác trước những rủi ro này. Việc tăng cường khả năng phục hồi trước những cú sốc bên ngoài sẽ là điều cần thiết, thông qua việc tăng cường thương mại, đầu tư xuyên biên giới và mạng lưới cung ứng hàng hóa.
ADB cho rằng các ngân hàng trung ương ở châu Á và Thái Bình Dương nên tiếp tục thận trọng với sự không chắc chắn trong chính sách tiền tệ của Mỹ. Mặc dù chu kỳ tăng lãi suất đã kết thúc ở nhiều nền kinh tế trong khu vực, chính sách tiền tệ vẫn có xu hướng thắt chặt khi các ngân hàng trung ương phải tiếp tục sứ mệnh giải quyết áp lực giá cả trong nước.
Do đó, việc duy trì một chính sách tài khóa thận trọng là rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh không gian tài khóa hạn hẹp và lãi suất tăng cao.