Tăng trưởng 3 con số
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2024, xuất khẩu hạt tiêu của cả nước đạt 10,796 nghìn tấn, mang về gần 62 triệu USD, so với nửa đầu tháng 7/2023 tăng 52,85% về khối lượng và tăng 137% về kim ngạch. Đây cũng là mặt hàng duy nhất đạt mức tăng trưởng 3 con số trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7, xuất khẩu hạt tiêu đạt 152,299 nghìn tấn, đạt kim ngạch hơn 692,251 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 4,64% về khối lượng nhưng tăng gần 36% về trị giá, nhờ giá xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước đến nay và tăng 55% so với cùng năm trước, từ 3.686 USD/tấn lên 5.727 USD/tấn.
Một số chuyên gia cho rằng, thị trường hạt tiêu đang chịu tác động bởi 2 yếu tố: Nguồn hạt tiêu trong dân, mặt dù lượng hạt tiêu trong dân vẫn còn nhưng do người trồng đang nghe ngóng tình hình thị trường nên chưa vội bán ra. Kế đến là chờ đợi thông tin từ Hội nghị tổng kết tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu ngành hàng gia vị 6 tháng đầu năm 2024 và định hướng sản xuất, kinh doanh cho 6 tháng cuối năm 2024 của Hiệp hội Hạt tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), sắp diễn ra cuối tháng này.
Theo nhận định của VPSA, quy luật về giá hạt tiêu năm nay không giống như thường thấy các năm trước. Nguyên nhân do sản lượng hạt tiêu niên vụ 2023/24 của Việt Nam sụt giảm khá nhiều so với niên vụ trước, khiến nguồn cung ở thời điểm hiện tại cạn kiệt. Không chỉ ở trong nước, nguồn cung tiêu trên toàn cầu cũng đang khan hiếm do ảnh hưởng của El Nino. Về dài hạn, sản lượng tiêu của Việt Nam chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thế giới trong vòng 5 năm tới.
Chi phí vận chuyển tăng tác động đến giá cả ở các thị trường nhập khẩu
Sản lượng tại 2 quốc gia sản xuất hồ tiêu hàng đầu thế giới giảm là Brazil và Việt Nam đã đẩy giá hạt tiêu thế giới liên tục tăng cao trong thời gian qua. Trong những tuần gần đây, tuy giá tiêu ổn định trở lại nhưng vẫn đang dao động ở mức cao nhất trong khoảng 8 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á cũng tác động đến giá ở các thị trường nhập khẩu, và có thể gây ra sự chậm trễ vận chuyển. Điều này có thể khiến giá xuất khẩu tăng trong trung và dài hạn.
VPSA cho biết, thị trường thế giới tuần này tiếp tục phản ứng trái chiều. Tại Ấn Độ, giá tiêu giao dịch trong nước và quốc tế giảm kể từ tuần trước. Trong khi đó, tại Indonesia giá tiêu nội địa và xuất khẩu vẫn ổn định khi phần lớn vườn tiêu tại Indonesia được cho là sẽ bắt đầu thu hoạch vào tháng sau.
Indonesia dự kiến thu hoạch hạt tiêu vào tháng 7 với sản lượng tốt ở hầu hết vùng trồng trọng điểm. Những cơn mưa rải rác trong giai đoạn phát triển có lợi cho việc hình thành trái tiêu. Mặc dù ước tính sản lượng tốt, nhưng có thể không ảnh hưởng nhiều đến giá cả, vì các nhà đầu cơ đã cố gắng mua hết nguyên liệu có sẵn.
Chỉ có giá tiêu nội địa Malaysia ghi nhận tăng trong khi giá xuất khẩu tiếp tục ổn định và không thay đổi.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ có giá tiêu nội địa ghi nhận tăng trong tuần này, trong khi, giá xuất khẩu ổn định và không thay đổi.
Cụ thể, đầu tuần, giá hạt tiêu trong nước giao dịch ở ngưỡng cao nhất 146.000 đồng/kg, giảm mạnh 5.000 đồng/kg so với cùng thời điểm tuần trước. Giá tiêu thu mua trung bình ở mức 145.400 đồng/kg.
Ngày 24/7, giá hạt tiêu trong nước chủ yếu tăng tại các địa phương. Theo đó, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cùng tăng 4.000 đồng/kg, đưa giá thu mua lên mốc cao nhất là 150.000 đồng/kg.
Thương lái tại Gia Lai và Đồng Nai đang cùng giao dịch chung mức 149.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Thấp hơn ở mức 148.000 đồng/kg là giá hồ tiêu được ghi nhận tại tỉnh Bình Phước sau khi tăng 3.000 đồng/kg. Ngược lại, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm nhẹ 1.000 đồng/kg về mức 144.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại Brazil, Campuchia và Trung Quốc, giá tiêu đen Brazil và Campuchia ổn định trong tuần này, trong khi giá tiêu trắng Trung Quốc ghi nhận tăng, do nước này do dự nhập khẩu khiến sản lượng thấp và đầu cơ tại nội địa thị trường. Đáng chú ý, tại Hải Nam giá tiêu đã tăng mạnh trong 1 tháng qua.
Một số chuyên gia nhận định, dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu sẽ được thị trường tiếp tục ghi nhận và phản ánh trong thời gian tới cho đến khi giáp hạt. Trong khi đó, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á cũng tác động đến giá cả ở các thị trường nhập khẩu, và có thể gây ra sự chậm trễ vận chuyển. Điều này có thể khiến giá xuất khẩu tăng trong trung và dài hạn.