![VN-Index đóng cửa ngay 1.270 điểm, thị trường xuất hiện nhiều cơ hội](https://s-aicmscdn.nhipsongkinhdoanh.vn/nskd-media/25/2/13/screenshot-2025-02-13-162850_67adbb5bd82d4.png)
Định vị thị trường
Số liệu lạm phát tháng 1/2025 ở Mỹ tăng vượt dự báo khiến các chỉ số chứng khoán tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã biến động trái chiều. Tuy nhiên, chứng khoán châu Á đã hồi phục tích cực hơn: NIKKEI 225 (+1,28%), KOSPI (+1,36%), TWSE (+0,47%) đã cùng nhau tăng điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng điểm trở lại nhưng trạng thái giao dịch vẫn chênh vênh ở quanh mốc 1.270 điểm.
Chất xúc tác
Dù lạm phát nóng hơn nhưng chỉ số DXY đã không thể bứt phá thêm, thậm chí còn đánh rơi mốc 108 điểm. Phản ứng của tỷ giá đồng USD trên liên ngân hàng cũng cho thấy sự hạ nhiệt trở lại, qua đó sẽ giúp cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tính đến việc nối lại chuỗi bơm ròng. Được biết, trong phiên hôm qua, NHNN đã hút ròng 19.296,79 tỷ đồng từ thị trường.
Trong khi đó, thanh khoản của thị trường chứng khoán đang bị hao hụt nhanh do tâm lý không ổn định của nhà đầu tư. Quy mô khớp lệnh của sàn tiếp tục ở dưới mức bình quân 20 phiên gần nhất, đạt 471 triệu đơn vị.
![VN-Index đóng cửa ngay 1.270 điểm, thị trường xuất hiện nhiều cơ hội "ngách"](https://s-aicmscdn.nhipsongkinhdoanh.vn/thumb/w_1000/nskd-media/25/2/13/vn-index-dong-cua-ngay-1_67adbb2a1ee76.png)
Và các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục hoạt động bán ròng trên HOSE trên 230 tỷ đồng tập trung vào các cổ phiếu VNM (-67,1 tỷ đồng), VPB (-58,3 tỷ đồng), MWG (-48 tỷ đồng), NLG (-41,77 tỷ đồng).
Vận động thị trường
Thị trường vẫn tiếp tục xuất hiện các mã Ngân hàng tăng giá vượt đỉnh như CTG (+0,9%), LPB (+0,9%), TCB (+1%) nhưng đóng góp của nhóm này lại không nhiều do đà đi lên chậm.
Một số Bluechips như VHM (+2%), GVR (+2,4%), PLX (+1,6%) đã phải hỗ trợ chỉ số trong phiên chiều để giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hòa nhập vào những vận động của khu vực. Chốt phiên, chỉ số VN-Index tăng 3,44 điểm lên 1.270,35 điểm (+0,27%). Tổng giá trị giao dịch toàn sạn đạt 11.741 tỷ đồng, tương đương 512,02 triệu đơn vị.
Dù dòng tiền yếu nhưng mức độ sôi động của các cổ phiếu Midcap và Penny đã cải thiện hơn. Các mã tăng mạnh xuất hiện với tần suất nhiều hơn như DPM (+4,74%), DCM (+3,86%), GEX (+3,02%), CSV (+5,87%), CTD (+6,26%), PAN (+3,38%), GEE (+5,84%), TRC (+6,99%).
Trong khi đó, các mã giảm giá chỉ đóng cửa với biên độ hẹp như SZC (-0,11%), VND (-0,39%), BAF (-0,34%), CII (-0,7%), KBC (-0,7%), KSB (-0,25%), HSG (-0,3%).
Trên HNX và UPCoM, KSV (+10%), HGM (+9,99%), MSR (+14,74%), KCB (+15%) vẫn cho thấy sự hiện diện của sóng Khoáng sản. Ngoài ra, còn các mã LAS (+5,32%), NBC (+4,59%), BVB (+4,38%), DDV (+3,14%), TOS (+7,55%) cũng thể hiện ấn tượng.
HNX-Index tăng 0,09% trong khi UPCoM-Index tăng 0,96%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.600 tỷ đồng.