Môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu đã và đang thay đổi đáng kể dưới tác động của những yếu tố địa chính trị phức tạp, những biến cố chưa từng có tiền lệ như đại dịch COVID-19, những thách thức đa phương như biến đổi khí hậu hay những vấn đề mới nảy sinh như chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu… làm ảnh hưởng không chỉ đến đà phục hồi mà còn thúc đẩy sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài diễn ra nhanh, mạnh mẽ hơn trên toàn thế giới, mang đến nhiều sự thay đổi trong các quyết sách đầu tư.
Tại hội thảo "Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 15/5, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE) – ông Nguyễn Mại cho biết, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã đưa ra nhận định đầu tư quốc tế năm 2023 sẽ đi ngang hoặc thậm chí sụt giảm do nhiều yếu tố.
Thế nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư thì có hai yếu tố rất quan trọng, thứ nhất hạn chế đầu tư ra nước ngoài, từ Mỹ, EU hoặc Nhật, Hàn đều hạn chế đầu tư ra nước ngoài.
Chính phủ Hàn Quốc gần đây đã đưa ra chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc chuyển dịch về trong nước.
Chính phủ Nhật dành đến 2 tỷ USD để khuyến khích các nhà đầu tư Nhật chuyển hoạt động sản xuất về nước.
Vì vậy nếu Việt Nam không lưu ý theo dõi đến thay đổi chính sách của các nước, chiến lược đối ngoại của từng nước và đặc biệt là chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam, Việt Nam sẽ bị tụt hậu trong thu hút FDI.
"Trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu, chiến lược bao giờ cũng sẽ có những sự điều chỉnh", ông Mại nhấn mạnh.
Ông Mại chỉ ra rằng, nếu Việt Nam cứ “ngủ” trên những cái mà Việt Nam hiểu về họ cho đến nay mà không thay đổi theo cái mà họ đã thay đổi để mà tính đến điều chỉnh các biện pháp thu hút dòng vốn đầu tư, sẽ rất khó để có thể hiện thực hóa các mục tiêu thu hút FDI.
Cũng theo ông Mại, hiện nay xu thế lựa chọn, chọn lọc các nhà đầu tư đang ngày một lớn dần, tất cả các nước đều đưa ra giải pháp sàng lọc nhà đầu tư rất khắt khe. Chính vì thế, việc nhận đầu tư vào các nước đang đương đầu với tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với cái mà phía Việt Nam đã hiểu từ khoảng 30 năm nay.
Việc sàng lọc nhà đầu tư có liên quan đến nhiều yếu tố trong đó có yếu tố là an ninh quốc gia. Trung Quốc hiện và Mỹ hiện vẫn đang trong chiến tranh về công nghệ cao, đặc biệt công nghệ bán dẫn. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đang hạn chế những công ty công nghệ cao đầu tư ra nước ngoài, không bao giờ họ muốn cung cấp công nghệ cho các nước nhận đầu tư, đây cũng là yếu tố cần thực sự phải lưu tâm, ông Mại nhấn mạnh.
Ông Mại chỉ ra trong xu thế mới khi mà Trung Quốc có nhiều thay đổi lớn về chính sách đầu tư nước ngoài, Trung Quốc đặt nhiều trọng tâm hơn để phát triển doanh nghiệp trong nước, đây rõ ràng là thay đổi quan trọng mà các nước trong khu vực đầu tư cần quan tâm.
Ấn Độ hiện cũng nổi lên như một điểm nóng của đầu tư toàn cầu, Ấn Độ hiện giờ là nước đông dân nhất thế giới, Ấn Độ là nơi đào tạo ra nhiều sinh viên đại học nhất thế giới, Ấn Độ là nơi khu công nghệ cao làm dịch vụ thuê ngoài quy mô lớn nhất thế giới. Ấn Độ cũng là nơi có nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng giá lại rẻ hơn Việt Nam. Chi phí lao động tại Ấn Độ chỉ bằng khoảng 60% so với Việt Nam.
Hơn nữa, giới chức Chính phủ Ấn Độ cũng vô cùng quan tâm đến thu hút đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi năm nào cũng bay ra nước ngoài 4 chuyến để vận động đầu tư.
Và giờ đây trong bối cảnh toàn cầu thay đổi, có tỷ lệ nhất định nhà đầu tư nước ngoài đa dạng hóa địa điểm sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Ấn Độ đã tuyên bố sẽ dành tất cả mọi điều kiện thuận lợi nhất về đất, về chính sách, kể cả tài trợ cho các nhà đầu tư để thu hút khoảng 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Ấn Độ là bạn bè của Việt Nam nhưng trong cạnh tranh đầu tư thì Ấn Độ là đối thủ.
Còn bản thân trong ASEAN, nước cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam chính là Indonesia. Indonesia là nước chủ trì về thu hút đầu tư nước ngoài. Indonesia đồng thời cũng từng tuyên bố sẵn sàng ưu đãi mạnh nhất cho những nhà đầu tư công nghệ cao dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Bản thân Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng tuyên bố rằng với dự án đầu tư quy mô từ 70 triệu USD trở lên, thu hút từ trên 300 người lao động thì chính Tổng thống sẽ cấp giấy phép đầu tư trong vòng 1 tuần lễ và được triển khai nhanh chóng.
Ông Mại khẳng định đây là hai đối thủ, đối tác thu hút FDI quan trọng mà phía Việt Nam cần lưu ý để vừa hợp tác để điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm giữ chân nhà đầu tư hiện tại và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới.
Ở nội tại, ông Mại khẳng định về hai thách thức. Thứ nhất Việt Nam cần phải hiểu rõ về những yếu tố đang cản trở nhà đầu tư, nắm thật rõ nhược điểm của môi trường đầu tư và quyết liệt cải thiện những yếu tố này. Yếu tố luật pháp chính sách và thực thi luật pháp chính sách mang tính quyết định về đầu tư, Việt Nam đang hành động quá chậm để giải quyết những vấn đề này.
Ngoài ra, vấn đề thủ tục đầu tư cũng cần phải sớm được giải quyết, yếu tố này gây ra nhiều bức xúc, Việt Nam nói nhiều đến chính phủ số, chính phủ điện tử nhưng hệ thống hành chính còn rất cồng kềnh, nhiều thủ tục. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực có khả năng hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp nước ngoài.