Tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, gần 280 tỷ USD đã được giải ngân. Nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.
Với việc tham gia 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời nắm bắt cơ hội, cũng như phát huy ngoại lực, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, tạo động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Sự dịch chuyển của nhà đầu tư từ Trung Quốc sang Đông Nam Á
Tại hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” nhân dịp 35 năm đầu tư nước ngoài (FDI) do báo Đầu tư tổ chức sáng nay (15/5), ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những nhận xét về sự thay đổi trong xu thế đầu tư của nhà đầu tư ngoại tại Trung Quốc và Đông Nam Á cũng như lý giải nguyên nhân FDI vào Việt Nam suy giảm như thế nào.
Theo ông Sử, FDI giống như một tấm huy chương, có mặt đẹp nhưng cũng có mặt sau của nó, có cả mặt tích cực và cả những mặt chưa được. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam, FDI đã trở thành bộ phận không thể tách rời, vậy câu chuyện cần quan tâm trong thời gian tới là bằng cách nào để thu hút được thêm nhiều FDI hơn nữa, thu hút được những dòng FDI mà Việt Nam mong muốn và đóng góp tích cực vào Việt Nam. Việt Nam cần đến những doanh nghiệp toàn cầu cùng tham gia vào chuỗi giá trị và dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.
Trái với suy nghĩ của nhiều người về sự dịch chuyển của dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam là kết quả của đại dịch, ông Sử làm rõ rằng việc này đã diễn ra từ nhiều năm trước đó. Làn sóng này khởi đầu với nhà đầu tư Nhật, sau đó đến nhà đầu tư Hàn Quốc và đến xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam để né thuế và rồi đại dịch COVID-19 xảy ra dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các tập đoàn sắp xếp lại chuỗi cung ứng và kết quả họ dịch chuyển sang Việt Nam nhằm đảm bảo trong mọi trường hợp sẽ giảm thiểu được tác động của việc đứt gãy giống như thời kỳ đầu của COVID-19.
Ông Sử phân tích tất cả những yếu tố đó dẫn đến sự dịch chuyển dòng vốn từ một nơi phân tán ra những nơi khác, tuy nhiên dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc không có nghĩa nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ Trung Quốc, đây là sự hiểu nhầm rất lớn của nhiều người trong giới truyền thông mà trên thực tế họ chỉ bổ sung thêm Việt Nam trong chuỗi sản xuất của họ.
Ông Sử dẫn số liệu từ năm 2018 cho đến nay, ước tính khoảng 5 năm, bình quân mỗi năm dòng vốn FDI vào Trung Quốc tăng thêm 10 tỷ USD. Đến năm 2022, con số này đã đạt đỉnh 172 tỷ USD/năm. Năm 2018, con số này khoảng 110 tỷ USD. Rõ ràng, song song với xu hướng dịch chuyển đầu tư thì đầu tư vào Trung Quốc vẫn tăng đều đặn. Những nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất đến Trung Quốc bao gồm nhà đầu tư châu Âu tăng FDI thêm khoảng 10%/năm, Hàn Quốc cũng tương đương. "Như vậy bản thân sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Trung Quốc chưa bao giờ sụt giảm. Nói cách khác, nhà đầu tư không thể rời bỏ Trung Quốc", ông Sử khẳng định.
Trong bối cảnh đấy, có thể nói Việt Nam và các nước Đông Nam Á hưởng lợi từ sự dịch chuyển đó. Kết quả khảo sát của tổ chức quốc tế cho thấy ước tính đến 64% nhà đầu tư khi mở rộng đầu tư nghĩ đến Đông Nam Á và quá nửa số này tính đến Việt Nam. Việt Nam có lợi thế rất lớn trong vai trò vị thế trung tâm logistics của khu vực Đông Nam Á, nằm ngay sát Trung Quốc và kết nối được rất nhanh chóng thuận tiện với Trung Quốc.
Như vậy, bản thân sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam là có nhưng không phải là nhà đầu tư rời Trung Quốc để sang Việt Nam hay Đông Nam Á mà thực tế họ vẫn đầu tư vào Trung Quốc nhưng san sẻ phần nào sang Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.
Nguyên nhân quy mô FDI vào Việt Nam suy giảm
Nói về mục tiêu thu hút đầu tư, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài cũng nhớ lại thời điểm năm 2019, Việt Nam từng đặt mục tiêu thu hút FDI vô cùng tham vọng với ước tính mỗi năm từ 30 đến 35 tỷ USD trong giai đoạn 2021 – 2025, giai đoạn 2026 đến 2030 thu hút mỗi năm từ 35 đến 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, đại dịch xảy ra, trong 3 năm gần đây, dòng vốn đã chững lại. Năm 2021 FDI biến động chưa nhiều nhưng năm 2022 và 2023 đã có sự suy giảm mạnh tương đối so với trước do COVID-19 và rồi sau đó đến biến động địa chính trị, nền kinh tế châu Âu, châu Mỹ suy giảm tăng trưởng, lạm phát cao.
Trong khoảng 6 tháng cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, chính phủ đã có những thúc đẩy quyết liệt để tháo gỡ các khó khăn trong xuất khẩu và đơn hàng vào Việt Nam suy giảm dẫn đến xuất khẩu giảm sút. Dưới những tác động như vậy, không ngạc nhiên vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài suy giảm, chính phủ đã phải có những động thái quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển nhằm bảo vệ công ăn việc làm cho người dân.
Nếu nhìn từ mặt con số các dự án, FDI vào Việt Nam không chững lại hay giảm mà thậm chí vẫn tăng, năm 2021 tăng 16%, năm 2022 tăng 17% còn năm nay tăng 19% trong 3 tháng đầu năm, đấy là nếu xét theo số lượng dự án. Bình quân một dự án FDI vào Việt Nam có quy mô ước tính 15 đến 16 triệu USD/dự án. Thế nhưng để có thể quy mô tổng FDI vào Việt Nam lên nhanh thì cần đến những dự án khổng lồ, từ tỷ USD trở lên.
Như vậy FDI vào Việt Nam giảm là do thiếu vắng “những nhà đầu tư đại bàng” bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, họ chịu ảnh hưởng từ sự tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, những tập đoàn lớn chịu ảnh hưởng chính bởi các mức thuế đó, nhà đầu tư toàn cầu đang có những xem xét lại tác động từ các quốc gia thu thuế và quốc gia nhận đầu tư. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chính thức giao cho Bộ Tài chính rà soát xem xét lại chính sách thuế còn Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì chính sách về hỗ trợ nhà đầu tư, tăng đầu tư mới, sau khoảng 2 tháng nữa giải pháp sẽ được hoàn thiện để đảm bảo thúc đẩy đầu tư tối đa.
Thứ hai, yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến đầu tư Việt Nam chính là sự mất giá của đồng tiền bản tệ. Cuối năm 2022, so với đồng USD đồng yên Nhật mất giá 27%, đồng won Hàn Quốc mất giá 22%, với tỷ giá suy giảm như thế, không ngạc nhiên khi mà dù nhà đầu tư chưa có ý định cắt giảm thì đầu tư của họ thực tế đã giảm nếu tính theo tỷ lệ sụt giảm của đồng tiền như trên.
Gần đây, hiện tượng và các yếu tố trên giảm đi nhưng nhìn lại cả năm 2022, tác động của xung đột Nga – Ukraine, tỷ giá và vĩ mô thế giới không khỏi ảnh hưởng đến FDI. Nhà đầu tư vì vậy trì hoãn các dự án đầu tư mới.