Cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc và ngân hàng trung ương nước này có kế hoạch áp dụng một hệ thống quản lý khác biệt để đánh giá mức độ an toàn vốn và quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại, nhằm ngăn ngừa rủi ro tốt hơn trong hệ thống tài chính của quốc gia.
Theo đó, Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) hôm 18/2 đã cùng công bố dự thảo các quy tắc sửa đổi nhằm giúp các ngân hàng “liên tục cải thiện độ chính xác của việc đo lường rủi ro, hướng dẫn các ngân hàng phục vụ nền kinh tế thực tốt hơn”. Các quy tắc sửa đổi được kỳ vọng sẽ đưa lĩnh vực ngân hàng Trung Quốc đến gần hơn với các tiêu chuẩn toàn cầu.
Hai cơ quan quản lý cho biết việc thực hiện các quy định mới nhìn chung không thay đổi tỷ lệ an toàn vốn trong lĩnh vực ngân hàng, mặc dù tỷ lệ này đối với một số ngân hàng sẽ thay đổi đôi chút.
Ủy ban và ngân hàng trung ương đang lấy ý kiến của công chúng trước khi thực hiện các thay đổi vào ngày 1/1/2024.
Với quy tắc sửa đổi mới, chính phủ sẽ chia ngân hàng cho vay thành ba nhóm dựa trên quy mô kinh doanh và mức độ rủi ro.
Các quy tắc sẽ áp dụng một hệ thống quy định khác biệt cho từng nhóm ngân hàng. Những người cho vay có quy mô tài sản hoặc hoạt động kinh doanh xuyên biên giới tương đối lớn sẽ phải tuân theo các yêu cầu khắt khe hơn về vốn. Nói cách khác, nhóm này sẽ phải tiết lộ nhiều thông tin hơn cho các cơ quan quản lý.
Ngoài ra, các quy tắc sẽ bao gồm nhữngc yếu tố cụ thể hơn để đo lường mức độ rủi ro của các ngân hàng đối với việc cho vay thế chấp, chẳng hạn như các loại tài sản, nguồn trả nợ và tỷ lệ cho vay trên giá trị.
Thị trường bất động sản của Trung Quốc - từng là một trụ cột của tăng trưởng - đã “hạ nhiệt” đáng kể trong năm qua, chủ yếu do nhu cầu yếu và các nhà phát triển không trả được các khoản nợ đúng hạn.