Rủi ro giảm phát tại Trung Quốc
Theo Wall Street Journal (WSJ), “bóng đen” giảm phát đang bủa vây Trung Quốc, buộc nước này phải có những biện pháp kích thích kinh tế mạnh hơn. Thực tế, trong bối cảnh đa số các quốc gia trên thế giới phải “vật lộn” với lạm phát thì Trung Quốc lại đi theo chiều hướng ngược lại.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã đi ngang ở ngưỡng 0% trong tháng 6/2023 - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Tình hình này cũng có thể dẫn đến việc nhiều người mất việc làm.
Các nhà sản xuất phải trải qua thời kỳ “vật lộn” với giá hàng hóa thấp hơn, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước suy yếu. Cụ thể, giá các sản phẩm từ thép, xi măng đến hóa chất cũng giảm trong nhiều tháng vừa qua. Giá các mặt hàng như đường, trứng, quần áo hay đồ gia dụng cũng giảm.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc có thể tránh được rủi ro giảm phát sâu và kéo dài. Nền kinh tế nước này đang phục hồi - không qua nhanh - nhưng chính phủ đã công bố một loạt biện pháp để kích thích kinh tế và được đánh giá là có hiệu quả. Đầu tháng 7, Liu Guoqiang, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bác bỏ những lo ngại rằng Trung Quốc đang trượt dài về phía giảm phát.
Trung Quốc và Nhật Bản có sự tương đồng
Mặt khác, một số nhà kinh tế lại thấy được sự tương đồng “đáng báo động” giữa tình huống hiện tại của Trung Quốc với Nhật Bản - quốc gia đã phải đương đầu với giảm phát trong nhiều năm.
Vào những năm 1991-2001, Nhật Bản đã trải qua thời kỳ kinh tế trì trệ và giảm phát giá cả - được gọi là “thập kỷ mất mát”. Tăng trưởng kinh tế chỉ khoáng 1%, khủng hoảng nhà đất khiến giá bất động sản nước này giảm mạnh.
Các công ty và hộ gia đình phải cắt giảm lượng lớn chi tiêu để trả các khoản nợ khổng lồ - thực trạng “suy thoái bảng cân đối kế toán” (cố gắng giảm bớt nợ thay vì tối đa hóa lợi nhuận) - điều mà nhiều người nhận định Trung Quốc đang mắc phải.
Thay đổi hàng năm của giá tiêu dùng
Dữ liệu mà nước này công bố gần đây cũng cho thấy lợi nhuận công nghiệp và giá trung bình khi bán nhà mới giảm trong tháng 6.
Điều mà nhiều người quan tâm là liệu các công cụ chính sách của Trung Quốc có thể ngăn chặn giảm phát hay đủ tiềm lực để đối phó khi “cơn bão” này đổ bộ một cách mạnh mẽ hay không, giáo sư kinh tế của Đại học Cornell kiêm cựu lãnh đạo bộ phận Trung Quốc IMF Eswar Prasad cho biết.
Mặt khác, theo WSJ, đối với nền kinh tế toàn cầu, tình trạng giảm phát ở Trung Quốc lại có thể giúp hạ nhiệt lạm phát ở những nơi khác, kể cả Mỹ, vì các nhà máy của nước này chiếm một tỷ trọng lớn trong chuỗi hàng hóa thế giới.
Tuy nhiên, hàng loạt hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu có thể gây áp lực cho các nhà xuất khẩu đối thủ ở một số quốc gia. Giá xuất khẩu thép và hóa chất của Trung Quốc đã giảm khoảng 1/3 trong 12 tháng tính đến tháng 6/2023.
Chưa hết, đợt giảm phát ở Trung Quốc có thể có nghĩa nhu cầu của nước này đối với lương thực, năng lượng và nguyên liệu thô yếu hơn - những thứ mà phần lớn thế giới dựa vào để có thu nhập từ xuất khẩu.
“Thị trường đang đánh giá thấp tác động của giảm phát đối với nền kinh tế toàn cầu”, Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC Holdings tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết.
Nhiều nguyên do
Theo thống kê, lạm phát lõi tháng 6 của Trung Quốc (loại trừ chi phí năng lượng và lương thực) đã giảm xuống 0,4% từ 0,6% của tháng trước. Chỉ số giá sản xuất cũng giảm 5,4% so với một năm trước đó.
Một trong những rào cản chính đối với giá tiêu dùng là giá thịt lợn. Được biết, giá thịt tháng 6 - một mặt hàng chủ lực trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc - đã giảm 7,2% so với một năm trước đó. Con số này cao hơn nhiều so với mức giảm 3,2% của tháng 5.
Chưa hết, trong thời kỳ đại dịch, nhu cầu của phương Tây đối với các mặt hàng như thiết bị tập thể dục, đồ gia dụng trong nhà và các hàng hóa khác tăng vọt - thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.
Theo một chỉ số được tính toán bởi Moody's Analytics, nhu cầu tăng cao đã giúp đẩy giá sản xuất của Trung Quốc tăng 12% từ đầu năm 2020 đến mức cao nhất vào tháng 4 năm ngoái.
Nhưng khi các nền kinh tế khác mở cửa trở lại sau đại dịch, nhu cầu giảm bớt - xu hướng này đã đảo ngược. Vào tháng 10/2022, giá sản xuất bắt đầu giảm so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục giảm hàng tháng kể từ đó.
Thay đổi hàng năm của giá sản xuất
Các nhà máy Trung Quốc, vốn mở rộng để đáp ứng nhu cầu của thế giới, hiện phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất. Nhiều doanh nghiệp hi vọng có thể chuyển hướng bán cho thị trường nội địa và vô hình khiến việc giảm giá tăng.
Với giá năng lượng và lương thực toàn cầu cũng yếu hơn trước, các nhà kinh tế dự đoán giá tiêu dùng chung ở Trung Quốc sẽ gần như không thay đổi, hoặc thậm chí là giảm trong những tháng tới.
Ngoài các mặt hàng thực phẩm và quần áo, giá xe điện cũng đang giảm khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và Tesla đã giảm giá “mạnh tay” trong bối cảnh doanh số bán hàng tăng trưởng chậm hơn. Đồng thời, họ cũng nỗ lực giành thêm thị phần tại một thị trường béo bở.
Trung Quốc có thể thoát khỏi tình trạng giảm phát nếu lấy lại động lực tăng trưởng vào cuối năm nay, thông qua sự hỗ trợ của chính phủ, một số nhà kinh tế dự đoán.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng đánh giá tình trạng giảm phát ở nước này có thể dai dẳng hơn dự kiến. Và càng kéo dài, ảnh hưởng của nó càng trở nên nghiêm trọng. Các công ty sẽ sa thải nhân viên khi lợi nhuận doanh nghiệp giảm.