Dòng tiền đầu tư toàn cầu tăng cường giải ngân tháng 1, song chững lại kể từ khi ông Trump nhậm chức
Quỹ cổ phiếu toàn cầu gia tăng tốc độ mua ròng trong 3 tuần đầu tháng 1 và trạng thái thận trọng quay trở lại trong tuần cuối tháng.
Cụ thể, theo thống kê của SSI Research, xu hướng vào ròng vẫn tiếp diễn và tăng 64% so với tháng 12, với tổng giá trị đạt 64,7 tỷ USD và tập trung trong giai đoạn đầu tháng. Tuy nhiên, trạng thái trở nên thận trọng hơn sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, thông báo áp thuế lên hàng nhập khẩu cũng như sự xuất hiện của mô hình AI giá rẻ từ Trung Quốc.
![image(7).png](https://tttctt.1cdn.vn/2025/02/11/image(7).png)
Giới phân tích nhận định, mặc dù kết quả kinh doanh năm 2024 của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường Mỹ khá tích cực, tuy nhiên với thông điệp dự kiến sẽ giữ nguyên khung lãi suất trong cuộc họp vào tháng 3 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các chính sách khó lường từ Tổng thống Trump khiến nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc giải ngân mạnh.
Trong khi đó, quỹ trái phiếu bật tăng vào ròng. Chỉ riêng trong tháng 1 giá trị vào ròng chảy vào các quỹ trái phiếu toàn cầu đã ghi nhận khoảng 67,2 tỷ USD, tương đương khoảng 11% giá trị vào ròng của cả năm 2024 và tăng gần 6 lần so với tháng 12/2024. Sức hút gần như đến toàn bộ từ quỹ trái phiếu thị trường phát triển, với mức giải ngân là 67,1 tỷ USD trước những lo ngại về rủi ro lạm phát và các biến động chính sách khó đoán.
Ngược lại, quỹ thị trường tiền tệ thu hẹp cường độ vào ròng với giá trị đạt 86 tỷ USD trong tháng đầu năm, giảm 26% so với tháng 12/2024. Xu hướng rút ròng tập trung ở nửa cuối tháng trước những biến động khó đoán từ Tổng thống Trump về thuế quan.
Về dòng vốn phân bổ vào các thị trường, dòng vốn vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển (DM) đẩy mạnh cường độ vào ròng trong tháng 1. Các quỹ ETF chủ động ghi nhận vào ròng gần 66 tỷ USD trong tháng 1 và tương đương 12% giá trị vào ròng so với năm 2024, trong đó thị trường Mỹ tiếp tục thu hút dòng tiền (46,5 tỷ USD), với sức hút vượt trội từ nhóm công nghệ và tâm lý tích cực từ nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, trạng thái tâm lý đã phần nào thận trọng hơn trước những biến động sau khi Tổng thống Trump nhận chức. Tín hiệu rủi ro đảo ngược dòng tiền lại xuất hiện khi kết quả khảo sát từ Bank of America (BofA) cho thấy tỷ trọng tiền mặt đang ở mức 3,9% - mức thấp nhất trong 3 năm qua.
![image(8).png](https://tttctt.1cdn.vn/2025/02/11/image(8).png)
Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường đang phát triển (EM) tiếp tục rút ròng 1,1 tỷ USD. Khác với giai đoạn trước, nhà đầu tư rút hơn 1,5 tỷ USD ra khỏi thị trường Ấn Độ - mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 trước lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại, trong khi dòng tiền duy trì trạng thái yếu ở các quốc gia khác trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, lo ngại các chính sách thuế quan và dự đoán FED chậm lại quá trình cắt giảm lãi suất. Riêng hai thị trường Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận vào ròng với kỳ vọng có sự phục hồi mạnh mẽ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán với các biện pháp kích thích kinh tế.
SSI Research đánh giá chung, định giá nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ở Mỹ đang ở mức cao so với trung bình 10 năm và tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ở cá nhân và tổ chức cũng đang ở mức cao. Tuy nhiên sức hấp dẫn của thị trường Mỹ cao hơn so với các quốc gia phát triển khác trong bối cảnh kinh tế Mỹ tích cực hơn so với phần còn lại của thế giới ở thời điểm hiện tại. Do vậy, dòng tiền vào thị trường cổ phiếu Mỹ có thể sẽ thận trọng hơn, nhưng vẫn tích cực. Đối với thị trường cổ phiếu khác, dòng tiền sẽ duy trì trạng thái phân hóa, tùy thuộc vào tác động từ chính sách sắp tới của chính quyền Tổng thống Trump.
Dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trái chiều
Các quỹ ETF duy trì trạng thái rút ròng trong tháng đầu tiên của năm 2025 với tổng giá trị rút ròng ghi nhận khoảng 616 tỷ đồng, theo thống kê của SSI Research. Đây cũng là tháng thứ 15 liên tiếp các quỹ ETF rút ròng khỏi Việt Nam. Áp lực rút vốn chủ yếu đến từ các quỹ ETF ngoại, đáng chú ý có VanEck (rút ròng 423 tỷ đồng), Xtrackers FTSE Vietnam (rút ròng 88 tỷ đồng), Fubon (rút ròng 58 tỷ đồng).
![image(9).png](https://tttctt.1cdn.vn/2025/02/11/image(9).png)
Các quỹ ETF nội có sự phân hóa. Trong khi quỹ DCVFM VN30 bị rút ròng 3 tháng liên tiếp thì DCVFM VNDiamond và MAFM VN30 ghi nhận dòng vốn mua ròng tích cực, với giá trị vào ròng lần lượt đạt 54 tỷ đồng và 56 tỷ đồng trong tháng.
Đối với dòng tiền chủ động, các quỹ chủ động đều ghi nhận rút ròng trong tháng 1. Trong đó, các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam rút ròng mạnh 804 tỷ đồng.
Trong năm 2025, SSI Research nhận định, dòng vốn từ các quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam sẽ vẫn chịu nhiều yếu tố tác động trái chiều. Dòng vốn sẽ bị hạn chế bởi kỳ vọng tốc độ hạ lãi suất chậm của FED và áp lực tỷ giá, chính sách khó đoán định dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump hoặc tiềm ẩn suy thoái kinh tế, hay số lượng các cổ phiếu ở các nhóm ngành thu hút dòng tiền như công nghệ khá hạn chế.
“Điểm tích cực là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 giúp cho việc rút ròng có thể được hạn chế. Kỳ vọng việc nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường Việt Nam trong năm 2025 sẽ đến từ câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell. Chúng tôi cần lưu ý rằng các chính sách bước đệm như triển khai hệ thống giao dịch KRX, việc áp dụng Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Nghị định 155/2020/NĐ-CP (sửa đổi) sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường vốn trong trung và dài hạn”, chuyên gia của SSI kỳ vọng.
![image(10).png](https://tttctt.1cdn.vn/2025/02/11/image(10).png)
Bên cạnh đó, gần đây, HOSE đã ban hành Quy tắc Chỉ số HOSE Index phiên bản 4.0 thay thế cho phiên bản 3.1. Quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ tháng 3/2025 với một số thay đổi chính như sau: (1) Nâng mức khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch khớp lệnh giúp tăng thanh khoản của cổ phiếu được chọn vào rổ; (2) Bổ sung tiêu chí tài chính về lợi nhuận sau thuế không âm giúp nâng cao chất lượng của các cổ phiếu sàng lọc; (3) Bổ sung giới hạn tỷ trọng vốn hóa của nhóm cổ phiếu cùng ngành trong rổ chỉ số VN30 ở mức 40%, góp phần ổn định cơ cấu ngành và hạn chế việc một ngành chiếm tỷ trọng quá nhiều trong rổ chỉ số.