Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 13/1/2023 kêu gọi Mỹ tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để thiết lập một "trật tự kinh tế công bằng" vì sự thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trước đó, cùng ngày, tại cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật, Thủ tướng Fumio Kishida và Tổng thống Joe Biden đã nhất trí tiếp tục hợp tác "chặt chẽ hướng tới một hội nghị thượng đỉnh thành công nhằm thể hiện cam kết của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền".
Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh giữa hai nước và hợp tác để đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đồng thời tái khẳng định hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở".
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được đề xuất giữa 12 nền kinh tế Vành đai Thái Bình Dương, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam, có quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu.
Đây là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - được kỳ vọng trở thành hình mẫu cho phát triển thương mại khu vực và thế giới với yêu cầu cao hơn trong bối cảnh lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
12 quốc gia trên đã ký thoả thuận vào tháng 2 năm 2016. Nhưng chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi hiệp định này vào năm 2017 để theo đuổi chính sách kinh tế "nước Mỹ trên hết" nhằm bảo vệ thị trường việc làm trong nước.
Sau nhiều nỗ lực, ngày 9-3-2018, 11 quốc gia thành viên còn lại đã cùng ký kết CPTPP tại Chi-lê. Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ hầu hết các điều khoản đã đàm phán trong TPP và bỏ qua 22 điều khoản được Mỹ thông qua trong khi các quốc gia khác lại không đồng thuận, đồng thời bổ sung hai phụ lục: Phụ lục về Danh mục 20 nghĩa vụ tạm hoãn thực thi của CPTPP và 4 nội dung cần đàm phán lại; Phụ lục về 7 điều liên quan đến những điểm kỹ thuật của Hiệp định mới.
CPTPP cũng có thay đổi về điều kiện có hiệu lực của Hiệp định là cần ít nhất 6 quốc gia thành viên ký phê chuẩn thì Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ký. Tháng 12-2018, CPTPP chính thức có hiệu lực đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn là Mê-hi-cô, Nhật Bản, Xin-ga-po, Niu Di-lân, Ca-na-đa và Ố-xtrây-li-a. Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-01-2019.