Thị trường chứng khoán đang vận động tích lũy biên độ hẹp trong tuần có nhiều thông tin vĩ mô quan trọng. Tiếp nối diễn biến kém tích cực cuối tuần trước, chỉ số VN-Index chứng kiến phiên đầu tuần với áp lực bán lớn trong buổi chiều, tập trung bán ở nhóm ngân hàng - chứng khoán.
Tuy vậy, ngay trong phiên sau đó, thị trường bật tăng mạnh 18 điểm, được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu thép trước thông tin tích cực từ giá thép. Cùng với đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng tăng điểm nhờ hỗ trợ bởi thông tin Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi).
Thị trường diễn biến giằng co vào giữa tuần khi tâm lý thận trọng hơn trước thời điểm công bố số liệu lạm phát tại Mỹ. Với việc chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tại Mỹ được công bố duy trì xu hướng hạ nhiệt và sát với dự báo thị trường, các chỉ số chứng khoán trong nước đã phản ứng tích cực và tăng điểm trong phiên cuối tuần.
Kết tuần, chỉ số VN-Index leo lên mức 1,102.16 điểm, tương đương mức tăng 0,6% so với cuối tuần trước; chỉ số HNX-Index ghi nhận mức tăng 0,07% lên 226,26 điểm và UPCoM-Index tăng 0,24% để đóng cửa tại 85,19 điểm.
Tuần qua, VHM (+4,6%), BID (+1,7%), HPG (+1,9%) tăng điểm mạnh và là các cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt đà hồi phục. Ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng VCB (-1,2%), STB (-2,8%) và TCB (-1,0%) gây áp lực lên chỉ số chung.
Thanh khoản giảm khá mạnh trong tuần khi thị trường bước vào nhịp tích lũy và chưa hình thành xu hướng rõ nét khiến dòng tiền đầu cơ thận trọng hơn. Theo đó, giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chỉ đạt 15.065 tỷ đồng, giảm 29% so với tuần trước.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn, chủ yếu trên HOSE với giá trị 705 tỷ đồng (-23% so với tuần trước). Hai sàn HNX và UPCoM lần lượt ghi nhận giá trị bán ròng 12 tỷ đồng và 32 tỷ đồng. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 750 tỷ đồng trên cả ba sàn (-22% so với tuần trước).
Đánh giá về diễn biến thị trường tuần qua, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích CTCK VNDIRECT cho biết, chứng khoán vừa có tuần phục hồi sau khi đón nhận một số thông tin vĩ mô hỗ trợ cả trong lẫn ngoài nước. Cụ thể, lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt với chỉ số PCE lõi tăng 0,2% trong tháng 10 và 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai con số này đều khớp với dự báo của thị trường trước đó và giảm so với mức tăng của tháng 9 tương ứng là 0,3% và 3,7%. Thông tin này càng củng cố kỳ vọng của thị trường rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong cuộc họp vào trung tuần tháng 12 tới.
Trong nước, đà phục hồi của nền kinh tế bứt tốc trong tháng 11 với sản lượng công nghiệp, tổng mức bán lẻ và số liệu xuất khẩu đều khả quan hơn so với tháng trước. Đồng thời, lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng qua kênh OMO, qua đó kéo lượng tín phiếu đang lưu hành về chỉ còn khoảng 15.000 tỷ đồng. Động thái này sẽ giúp cải thiện đáng kể tâm lý của nhà đầu tư và thúc đẩy dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường.
“Với những chuyển biến tích cực hơn của các yếu tố vĩ mô trong những tuần gần đây, tôi bảo lưu quan điểm rằng thị trường vẫn đang duy trì vận động trong xu hướng phục hồi”, ông Đinh Quang Hinh nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục tích lũy và xây nền tại vùng 1.080-1.020 điểm trước khi hướng tới các ngưỡng kháng cự cao hơn. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét tích lũy dần cổ phiếu cho giai đoạn tới, ưu tiên các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh cải thiện tích cực trong quý IV như nhóm xuất khẩu (thép, đồ gỗ, nội thất,…), đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp và chứng khoán.
Thận trọng hơn so, chuyên gia của MBS Research cho rằng, thị trường đang dao động trong vùng tích lũy với biên dưới ở vùng 1.075 điểm, biên trên ở vùng 1.115 – 1.120 điểm. Với thanh khoản tuần vừa qua giảm tới 30% so với tuần trước đó, dòng tiền đã trở nên thận trọng nên xu hướng đi ngang khả năng vẫn là chủ đạo chừng nào vùng hỗ trợ 1.075 điểm chưa bị vi phạm.
“Xu hướng đi ngang càng kéo dài, thị trường càng bất lợi khi chỉ số VN-Index hiện đang nằm dưới các ngưỡng trung bình hay được nhà đầu tư quan sát. Bên cạnh đó, việc chứng khoán Mỹ đang ở vùng đỉnh có thể là tín hiệu bất lợi khi thị trường trong nước vẫn đang hụt hơi so với chứng khoán thế giới ở nhịp hồi phục vừa qua. Trong kịch bản chứng khoán thế giới điều chỉnh khi gặp vùng cản mạnh, xu hướng đi ngang của thị trường trong nước có thể vị phá vỡ. Khi ngưỡng hỗ trợ 1.075 điểm bị xuyên thủng, thị trường có thể thoái lui về vùng 1.050 – 1.065 điểm. Chiến lược đầu tư là nâng cao tỷ lệ tiền mặt trong danh mục”, chuyên gia MBS khuyến nghị.
CTCK BIDV (BSC) lưu ý thêm, diễn biến thị trường chưa xác định xu hướng rõ ràng. Trong 1-2 tuần tới, việc các quỹ ETF công bố và tiến hành cơ cấu danh mục có thể gây ra biến động khó dự đoán trong bối cảnh không có nhiều thông tin hỗ trợ trong nước. Dù vậy chỉ số đang tích lũy "chặt chẽ" và nhà đầu tư có thể canh những phiên rung lắc để tăng thêm tỷ trọng nắm giữ cho hoạt động đầu tư ngắn và trung hạn.
Thị trường chứng khoán toàn cầu khép lại tháng 11 với mức tăng rực rỡ, chấm dứt chuỗi giảm 3 tháng liên tiếp ở nhiều thị trường lớn. Động lực cho xu hướng tăng điểm từ đầu tháng tới nay là kỳ vọng rằng FED đã có thể chấm dứt việc tăng lãi suất và bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn trong năm 2024.
Bên cạnh đó, việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và sự suy yếu của đồng đô la đã giải toả bớt áp lực giảm điểm đối với thị trường cổ phiếu. Trên thị trường lãi suất tương lai, đặt cược của nhà đầu tư đang bắt đầu xuất hiện khả năng FED cắt giảm lãi suất ngay trong mùa xuân 2024.