Định vị thị trường
Trong ngày đầu tuần, sắc xanh tiếp tục xuất hiện đồng loạt ở các thị trường chứng khoán châu Á như NIKKEI 225 (+0,12%), TWSE (+0,11%), KOSPI (+0,23%), STI (+0,12%), SHMCP (+0,92%).
VN-Index đã đi ngược lại vận động chung của khu vực với một tuần giảm gần 2,9%. Lẽ ra, chỉ số cần phải khẩn trương trở lại bắt nhịp các thị trường khu vực. Tuy nhiên, biên độ tăng điểm cũng chưa thực sự thuyết phục.
Chất xúc tác
Ngoài yếu tố đến từ xu hướng khu vực, thị trường Việt Nam còn đón nhận các thông tin vĩ mô rất đáng chú ý cuối tuần và đầu tuần. Cụ thể, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6, so với mức 50,3 điểm của tháng 5. Kết quả cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ ba liên tiếp, và các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể.
Đây là những thông tin hỗ trợ rất tốt cho nền kinh tế cũng như triển vọng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, dòng tiền trên thị trường lại gây thất vọng với một phiên hụt thanh khoản. Khớp lệnh đã giảm hơn 35% xuống 432 triệu đơn vị, qua đó có 5 phiên liên tiếp giao dịch dưới mức bình quân 20 phiên.
Hệ quả khác của tâm lý nhà đầu tư nội yếu là việc tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trên cả 2 chiều mua/bán vẫn đang khá cao, chiếm 13,06%. Đồng thời, khối này cũng bán ròng tiếp hơn 790 tỷ đồng trên HOSE với FPT (-248,9 tỷ đồng), FUEVFVND (-209 tỷ đồng), TCB (-91,5 tỷ đồng).
Vận động thị trường
Với dòng tiền yếu, thị trường đã phải co kéo khá nhiều mới có thể đảo chiều tăng điểm cuối phiên. Các mã VRE (+6,8%), MWG (+5,4%), CTG (+3,2%), VPB (+1,9%), SHB (+1,8%), MSN (+1,7%), BID (+1,5%), SAB (+1,5%), GAS (+1,4%), MBB (+1,1%), VCB (+1,1%) chỉ có sự đồng thuận từ sau 14h để kéo VN-Index và VN30 đóng cửa cao nhất phiên.
Chỉ số VN-Index tăng 9,24 điểm lên 1.254,56 điểm (+0,74%). Thanh khoản sàn đạt 487,19 triệu đơn vị, tương đương 13.114 tỷ đồng.
2 cổ phiếu VRE và MWG không chỉ là điểm sáng của nhóm vốn hóa lớn mà còn là của cả thị trường chung. Quy mô giao dịch của MWG đạt 1.396 tỷ đồng còn VRE đạt 293 tỷ đồng.
Các nhóm cổ phiếu Chứng khoán, Bán lẻ, Năng lượng, Dầu khí cũng đón nhận hiệu ứng từ nhóm Bluechips nhưng biên độ tăng còn bị kìm hãm từ yếu tố dòng tiền.
Nhóm Chứng khoán hồi phục sự đồng đều nhất với VDS (+6,1%), FTS (+3,8%), AGR (+3,2%), CTS (+2,7%), BSI (+2,4%), ORS (+2%) và MBS (+2,3%), BVS (+3%) trên HNX.
Cũng cần lưu ý rằng, HOSE vừa đón nhận thêm mã Chứng khoán thứ 16 là DSE của Công ty Chứng khoán DNSE. Trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn, cổ phiếu DSE đã giảm 4,7% từ mức giá chào sàn là 30.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, ở nhóm Năng lượng là các mã TV2 (+6,6%), PC1 (+3%), HDG (+3%). Nhóm Bán lẻ là PET (+3%), DGW (+2,8%) và nhóm Dầu khí là PVT (+3,1%), PSH (+2,3%), PVD (+2,1%), CSV (+3,9%).
Trước vận động chưa rõ ràng, 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa trái chiều. Chỉ số HNX-Index tăng 0,41% lên 238,56 điểm, thanh khoản sàn đạt 51,2 triệu đơn vị, tương đương 984 tỷ đồng.
Còn chỉ số UPCoM-Index giảm 0,24% xuống 97,3 điểm với thanh khoản đạt 42,39 triệu đơn vị, tương đương 1.006 tỷ đồng.