Thị trường đã hồi phục và tỷ giá hạ nhiệt
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một tuần phục hồi tích cực với việc chỉ số VN-Index chốt tuần tăng 1,5% và tiến sát ngưỡng tâm lý 1.250 điểm. Đà phục hồi tích cực của thị trường được thúc đẩy bởi các thông tin vĩ mô tích cực cả trong và ngoài nước. Cụ thể, trong tuần qua, Mỹ đã công bố 2 báo cáo lạm phát liên tiếp là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đều tăng thấp hơn dự báo.
Số liệu lạm phát tích cực hơn kỳ vọng đã giúp ngăn chặn đợt bán tháo lớn trên thị trường trái phiếu, làm dấy lên kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến, và thúc đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm.
Ông Đinh Quang Hinh
Trong nước, áp lực tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt với tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giảm 60 đồng (0,2%) lùi về dưới 25.330. Tâm lý thị trường cải thiện đã thúc đẩy hoạt động bắt đáy và giá cổ phiếu tăng điểm tích cực, bao gồm nhóm chứng khoán, xây dựng hạ tầng và các doanh nghiệp có liên quan đến dự án cảng Cần Giờ.
Ông Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu và đầu tư FIDT cho biết, thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chịu áp lực từ sự mạnh lên của USD (DXY tiệm cận 110) và kỳ vọng lãi suất USD duy trì cao khi FED chưa có dấu hiệu giảm lãi suất trong nửa đầu 2025. Cùng với đó, sự kiện Donald Trump nhậm chức ngày 20/1 có thể gia tăng rủi ro chính sách, tác động đến tâm lý và dòng vốn trên thị trường toàn cầu.
Đầu tiên, sự khó đoán trong chính sách của Donald Trump đã khiến dòng vốn trú ẩn vào USD, đẩy chỉ số DXY tăng rất mạnh, chạm mức rủi ro cao nhất, tiệm cận 110. Đồng thời, triển vọng kinh tế Mỹ khả quan đã củng cố kỳ vọng lãi suất Mỹ duy trì mức cao trong dài hạn. Điều này cũng đẩy lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức cao. Bên cạnh đó, thị trường tin rằng FED sẽ không giảm lãi suất trong nửa đầu 2025, và chỉ có thể giảm một lần vào nửa sau năm 2025. Điều này khiến lãi suất USD liên tục neo cao.
Tại Việt Nam, áp lực tỷ giá đã giảm nhiệt nhờ nhu cầu thanh khoản USD cuối năm qua đi, giúp VN-Index phản ứng tích cực tại vùng hỗ trợ 1220 và tích lũy ngắn hạn quanh 1250 – 1270. Tuy nhiên, nhịp phục hồi hiện tại chủ yếu mang tính kỹ thuật với thanh khoản thấp và tâm lý dòng tiền rụt rè.
Tuần giao dịch cuối cùng của năm Giáp Thìn
Ông Đoàn Minh Tuấn nhận định đây là thời điểm phù hợp để xây dựng danh mục đầu tư trung hạn với tỷ trọng 60% – 70%, tận dụng vùng định giá thấp kỷ lục của VN-Index và triển vọng kết quả kinh doanh quý IV tích cực từ các ngành Ngân hàng, Bất động sản, Thép, Sản xuất – Xuất khẩu.
Nhà đầu tư cần ưu tiên cổ phiếu có nền tảng nội tại vững chắc, theo sát các yếu tố toàn cầu, đồng thời quản trị rủi ro linh hoạt để cân bằng với các biến động khó lường.
Ông Đoàn Minh Tuấn
Bên cạnh đó, trong trường hợp khối ngoại ngưng bán ròng, quay trở lại mua ròng trong ngắn hạn, FIDT cho rằng có thể kỳ vọng kịch bản VN-Index cân bằng nhanh hơn. Nhà đầu tư có thể tăng dần khẩu vị rủi ro – tỷ trọng danh mục. Xét về quá khứ, cũng có những giai đoạn xảy ra đồng thời khối ngoại ngưng bán ròng khi VN-Index vùng 1.220 – 1.240 điểm, và giúp thị trường cân bằng và tạo đáy nhiều tuần.
Còn theo ông Đinh Quang Hinh, thị trường tài chính quốc tế sẽ hướng sự chú ý tới lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump và lộ trình thực thi những chính sách đề xuất về thuế quan, chính sách nhập cư và chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhìn chung, những rủi ro xoay quanh chính sách của Trump đã một phần lớn vào diễn biến của thị trường trong suốt 2 tháng qua. Do vậy, trừ khi có cú sốc hay thay đổi lớn của những chính sách đề xuất này, thị trường mới có xáo trộn lớn trong tuần giao dịch tới.
Về diễn biến trong nước, xu hướng phục hồi có thể duy trì trong tuần giao dịch cuối năm Giáp Thìn nhờ lực đẩy từ mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý IV đã đến.
Dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE có thể duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận ròng trên 20% trong quý IV, điều này sẽ giúp cải thiện định giá cổ phiếu và thúc đẩy dòng tiền đầu tư quay trở lại. Đồng thời, áp lực tỷ giá có thể tiếp tục hạ nhiệt và giúp gỡ “nút thắt” tâm lý thị trường, kích thích dòng tiền đầu cơ gia nhập trở lại.
Chỉ số VN-Index có thể đóng cửa năm Giáp Thìn tại vùng 1.260-1.270 điểm. Nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp rung lắc trong phiên để giải ngân một phần danh mục trước Tết Âm lịch, ưu tiên những nhóm ngành có thông tin hỗ trợ như Ngân hàng, cảng biển-logistic, xuất khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ), hạ tầng xây dựng và năng lượng (điện, dầu khí). Tuy vậy, cần hạn chế đòn bẩy và margin khi việc giữ trạng thái margin qua Tết Âm lịch có thể không phải là sự lựa chọn tối ưu.