Kết thúc năm 2024, VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,11% so với cuối năm 2023. Chứng khoán SHS đánh giá đây là mức tăng giá tốt trong bối cảnh bên ngoài nhiều yếu tố bất định, căng thẳng địa chính trị, áp lực tỷ giá, khối ngoại bán ròng đột biến…
Vốn hóa toàn thị trường cuối năm 2024 khoảng 288 tỷ USD, tương đương gần 63% GDP ước tính năm 2024. VN-Index vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng dài hạn từ tháng 4/2020 đến nay.
Hệ số P/E của 385 mã trong VN-Index cuối năm 2024 ở mức 13,0; thấp hơn mức trung bình 05 năm và thấp hơn trung bình toàn thị trường 15,08. Đây được được xem là mức P/E hấp dẫn khi so sánh triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2025. Tỷ số nghịch đảo EPS/P = 7,69% tương đương mức lãi suất tiết kiệm trung bình 12 tháng hiện nay.
Đánh giá trên toàn thị trường, vẫn duy trì hệ số P/E, P/B ở mức thấp so với trung bình 05 năm. Các chỉ số hiệu quả kinh doanh như ROE, ROA, EPS ở mức tương đối và được dự báo có thể cải thiện tốt hơn trong năm 2025.
Mức độ phân hóa của dòng tiền cũng diễn ra mạnh trong năm 2024. Tỷ trọng giao dịch nhóm vốn hóa lớn VN30 liên tục có xu hướng tăng từ đầu năm, từ tỷ trọng khoảng 40% lên mức đỉnh 54,5% trong tháng 10/2024. Trong cả năm 2024, tỷ trọng trung bình của nhóm vốn hóa lớn VN30 chiếm 45,6%. Trong khi tỷ trọng vốn hóa trung bình VNMID (40,6%), vốn hóa nhỏ VNSML (9,9%) và các cổ phiếu khác (3,9%).
Với xu hướng giảm tỷ trọng giao dịch của các cổ phiếu vốn hóa lớn trong 02 tháng cuối năm 2024, có thể kỳ vọng tỷ trọng giao dịch nhóm vốn hóa trung bình sẽ cải thiện hơn, thu hút dòng tiền tốt hơn trong năm 2025.
Trong giai đoạn 2023-2024, dư nợ cho vay ký quỹ liên tục tăng và đạt mức đỉnh 219.358,9 tỷ đồng trong cuối quý II/2024. Tỷ lệ dự nợ trên vốn hóa HOSE cũng lập mức cao mới 4,2% vượt các mức kỷ lục quý I/2022, thời điểm VN-Index ở mức 1.500 điểm.
Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy dư nợ gia tăng thể hiện dòng tiền mới gia tăng vào thị trường yếu hơn áp lực bán ròng đột biến của khối ngoại. Đây cũng là một phần nguyên nhân VN-Index tích lũy trong biên độ hẹp trong năm 2024.
Trong năm 2025, để thị trường chung, VN-Index có thể tăng trưởng tốt, tỉ lệ dư nợ vay ký quỹ trên vốn hóa thị trường có thể cần giảm về mức 3,5- 3,7% tương đương thời điểm cao nhất năm 2021-2022. Điều này có thể cải thiện nhờ khối ngoại giảm áp lực bán ròng, dòng tiền mới gia tăng vào thị trường tốt hơn, doanh nghiệp tăng trưởng tốt…
Các động lực của thị trường đến từ nền kinh tế tăng trưởng tốt, kỳ vọng tăng trưởng trung bình lớn hơn 8%/năm trong giai đoạn 2025-2030. Lãi suất ổn định trên nền thấp, lạm phát kiểm soát tốt, kỳ vọng nâng hạng thị trường. Trong khi đó, vốn hóa thị trường tương đối hấp dẫn so với nền kinh tế, GDP.
Trong khi rủi ro, bất định đến từ nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khi chênh lệch lãi suất vẫn ở mức cao; thị trường không có nguồn cung chất lượng mới; tỷ lệ dự nợ vay ký quỹ ở mức cao, căng thẳng địa chính trị trên thế giới. Cuối cùng là diễn biến kinh tế thế giới, Việt Nam trước áp lực áp đặt thuế quan của Mỹ.
Sau 2 tăng trưởng liên tiếp, Chứng khoán SHS kỳ vọng VN-Index sẽ có năm thứ 03 liên tiếp tăng điểm, với thành tích có thể đạt 10-12%. Tuy nhiên, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.
Năm 2025, dự báo VN-Index có thể có sự biến động rất mạnh với một đợt điều chỉnh mạnh từ 15% - 20% trước khi thị trường tăng trưởng ổn định trở lại trong trung và dài hạn sau đó.