Theo đài RT (Nga), quyết định đầy nghịch lý này đi ngược lại với chính sách xanh của Đức. Với 1 tuabin đã ngừng hoạt động, chính quyền địa phương đã thúc giục Công ty Năng lượng RWE đảo ngược kế hoạch loại bỏ 2 tuabin nữa.“Chúng tôi nhận thấy đây là quyết định nghịch lý. Nhưng đó là vấn đề quan trọng”, ông Guido Steffen, người phát ngôn của RWE, thừa nhận. Được đưa vào hoạt động hơn 20 năm trước, trang trại điện gió Keyenberg ở bang North Rhine-Westphalia có tổng cộng 8 tuabin, nằm cách mỏ bề mặt Garzweiler chưa đầy 1 km. Một trong những tuabin này đã bị phá hủy vào tuần trước. Hai tuabin khác có thể đối mặt với số phận tương tự vào năm 2023.Theo Energiekontor, nhà điều hành trang trại điện gió, 5 tuabin còn lại cũng có thể biến mất vào cuối năm sau, do giấy phép hoạt động của chúng sắp hết hạn.Sau khi lên nắm quyền vào tháng 12/2021, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố chương trình đầy tham vọng nhằm chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, những kế hoạch này đã bị đình trệ sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine. Cũng giống như các quốc gia châu Âu khác, Berlin đã chứng kiến giá khí đốt tăng vọt, một phần do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moskva. Tình hình càng thêm căng thẳng vào đầu tháng 9, khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream 1. Sau đó đường ống này đã bị hư hại do một vụ nổ.Trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng, vào cuối tháng 9, nhà chức trách Berlin đã yêu cầu hồi sinh các mỏ than nâu đã ngừng hoạt động. Việc loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than cũng được hoãn lại cho đến tháng 3/2024.Tuy nhiên, hôm 25/10, Bộ Kinh tế và Năng lượng bang North-Rhine Westphalia kêu gọi RWE đảo ngược kế hoạch loại bỏ các trang trại điện gió. Giới chức lập luận: “Trong tình hình hiện tại, mọi tiềm năng sử dụng năng lượng tái tạo nên được tận dụng hết mức có thể và các tuabin hiện tại nên hoạt động càng lâu càng tốt”.
Tập đoàn năng lượng Đức phá hủy tuabin điện gió để khai thác mỏ than
Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở Đức đã gây áp lực buộc nhà cung cấp điện địa phương phải phá bỏ một số tuabin gió để nhường chỗ cho việc mở rộng một mỏ than lộ thiên.