Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên ngày thứ Ba khi mà những nỗi sợ của nhà đầu tư liên quan đến khả năng khủng hoảng ngân hàng Mỹ lây lan mạnh trước thềm quyền định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 367,17 điểm tương đương 1,08% xuống 33.684,53 điểm; chỉ số S&P 500 hạ 1,16% xuống 4.119,58 điểm; chỉ số Nasdaq hạ 1,08% xuống 12.080,51 điểm. Cả ba chỉ số này đã giảm đến 2 phiên liên tiếp.
Cổ phiếu ngân hàng sụt giảm mạnh, chỉ số cổ phiếu SPDR S&P Regional Banking ETF giảm hơn 6%. Nhà đầu tư đặt câu hỏi về tính ổn định của nhóm các tổ chức tài chính khu vực quy mô nhỏ sau cuộc khủng hoảng gây tổn hại đến phố Wall trong tháng 3/2023 và khiến cho ngân hàng Silicon Valley và First Republic sụp đổ. Cổ phiếu của nhiều ngân hàng khu vực PacWest và Western Alliance giảm lần lượt 27% và 15%.
Cổ phiếu JP Morgan Chase sụt 16% sau khi để mất phần lớn thành quả tăng vào phiên liền trước đó. Cổ phiếu của nhiều ngân hàng lớn khác bao gồm Goldman Sachs và Citigroup đồng thời hạ hơn 2%. Cổ phiếu Bank of America hạ 3%.
“Chúng tôi nghĩ rằng những nỗi lo liên quan đến ngành ngân hàng, cùng với tâm lý lo lắng của nhà đầu tư về vấn đề trần nợ công, quan trọng hơn nữa là nhiều yếu tố bất ổn liên quan đến chính sách lãi suất của Fed đều tạo ra tâm lý ngại rủi ro. Trong lĩnh vực ngân hàng vốn đã tồn tại nhiều căng thẳng từ trước đó, chúng ta đang chứng kiến tâm lý không thoải mái của nhà đầu tư”, CEO quỹ AXS Investments – ông Greg Bassuk phân tích.
Cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Fed dự kiến sẽ kết thúc với việc ngân hàng trung ương Mỹ thông báo nâng lãi suất ước tính 0,25% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư. Theo kết quả khảo sát của CME FedWatchTool, nhà đầu tư đang dự báo khả năng Fed nâng lãi suất cơ bản đồng USD lên đến 85%. Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi thông tin liên quan đến việc liệu Fed có giữ lãi suất ổn định sau cuộc họp lần này hay không hoặc liệu Fed có thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư tài chính trong ngày thứ Ba chính là tuyên bố từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ về khả năng nước Mỹ sẽ chạm trần nợ công sớm hơn so với kỳ vọng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào ngày thứ Hai cảnh báo rằng Mỹ có thể sớm hết các công cụ trả nợ ngay từ ngày 1/6/2023, sớm hơn so với thời điểm tháng 7/2023 theo tính toán của các chuyên gia kinh tế.
Việc làm, phúc lợi và an ninh tài chính của hàng triệu người Mỹ sẽ có thể biến mất trong vòng chưa đầy 1 tháng nữa khi mà Hạ viện Mỹ tính đến việc hoãn việc nâng trần nợ để buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải giảm bớt chi tiêu.
Vào ngày thứ Hai, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa ra cảnh báo về khả năng chính phủ Mỹ có thể sẽ hết tiền thanh toán các nghĩa vụ nợ ngay từ ngày 1/6/2023 trừ khi Quốc hội Mỹ gia tăng khả năng cho vay của chính phủ. Việc nước Mỹ không thể nâng trần nợ sẽ gây ra nhiều hậu quả tại nội địa nước Mỹ cũng như ở nước ngoài.
Theo chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, trừ khi Quốc hội Mỹ hành động, nếu không sẽ xảy ra nhiều hậu quả tệ hại cho các hộ gia đình Mỹ, gây tổn hại đến vị thế dẫn đầu của nước Mỹ cũng như tạo ra nhiều hoài nghi về khả năng bảo vệ quyền lợi an ninh quốc gia. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về việc sẽ có một cuộc khủng hoảng quy mô như năm 2008.