“Tâm điểm” mới trên bàn cờ năng lượng toàn cầu

Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Nga dường như đang "nhường" thị trường năng lượng châu Âu cho Mỹ.

Nhờ có khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), Qatar đã bất ngờ trở thành tâm điểm trong chính sách năng lượng của Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Trung Quốc lại đang được hưởng lợi từ việc mua khí đốt giá rẻ của Nga. Đây chính là ba sự thay đổi lớn trên bàn cờ năng lượng thế giới do hậu quả của cuộc xung đột tại Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thở phào trước thông tin kể từ đầu tháng 12/2022, tập đoàn dầu khí ADNOC của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) sẽ bắt đầu xuất khẩu LNG sang Đức. Thỏa thuận đã đạt được trong chuyến công du ba nước vùng Vịnh trong các ngày 24-25/9 của Thủ tướng Đức, nhằm giảm bớt áp lực đối với chính phủ.

Cũng trong lĩnh vực này, cuối tuần qua tập đoàn dầu khí Pháp TotalEnergies đã thông báo sẽ đầu tư thêm 1,5 tỷ USD để cùng khai thác mỏ North Field South với Qatar Energy. Total Energies trước đây đã đầu tư 2 tỷ USD vào Qatar trong dự án North Field East. Đến năm 2026, North Field East bắt đầu cung cấp LNG cho châu Âu.

Trên bản đồ thế giới, Qatar cùng với Mỹ và Australia là ba nhà cung cấp LNG quan trọng nhất. Cho đến rất gần đây, khách hàng chính của ba nguồn cung cấp này là châu Á, chính xác hơn và theo thứ tự là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Châu Âu cho đến tháng 2/2022 vẫn phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga, ít quan tâm đến LNG. Vào thời điểm cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát, 55% nhu cầu khí đốt của Đức do một mình Nga cung cấp. Mặc dù đã ban hành lệnh trừng phạt Nga nhưng tính đến cuối tháng 7/2022, Nga vẫn đảm bảo 1/3 nguồn cung năng lượng cho "cỗ máy" công nghiệp lớn nhất của EU.

"Ẩn số" Trung Quốc

Nga càng lúc càng khóa chặt các đường ống dẫn dầu và khí đốt vào châu Âu, đặt toàn khối vào nguy cơ thiếu điện vào mùa Đông năm nay. Trong khi đó, thị trường LNG “căng” thêm nữa vào lúc Hàn Quốc, quốc gia tiêu thụ khí đốt lớn thứ hai thế giới, phải làm đầy 90% kho dự trữ từ nay đến cuối tháng 10/2022 giữa bối cảnh Nhật Bản lo xa đã đạt chỉ tiêu từ trước.

Riêng với Trung Quốc, nhu cầu về LNG vẫn còn là một "ẩn số" và EU chưa biết có phải cạnh tranh với Trung Quốc để tranh giành nguồn cung LNG từ các nhà cung cấp hay không.

Trước mắt, câu trả lời có lẽ là không do hiện nay Trung Quốc đang dễ dàng mua dầu mỏ và khí đốt của Nga.

Thứ hai, do tác động từ các đợt phong tỏa liên tiếp, các nhà máy tại Trung Quốc đã phải đóng cửa, nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại “công xưởng” của thế giới này đang có xu hướng sụt giảm.

Thứ ba là Trung Quốc hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá, tuy là một giải pháp gây ô nhiễm và thải nhiều khí CO2 nhưng lại rẻ hơn cho các nhà sản xuất. Ba yếu tố này cộng lại cho phép Trung Quốc dễ dàng “nhường” các hợp đồng LNG của mình với Nga cho châu Âu.

vna-potal-my-tang-so-luong-tau-cho-lng-ho-tro-chau-au-stand-20220925213844-4023.jpg

Tàu chở khí hóa lỏng MV Excelsior neo tại cảng Texas, Mỹ. Ảnh: Bloomberg/TTXVN

Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Mỹ thắng lớn

Từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, các tàu chở LNG đã tấp nập qua lại giữa hai bờ Đại Tây Dương. EU nhập khẩu thêm 60% LNG của Mỹ, trong khi thị phần khí đốt của Nga tại châu Âu đang từ 40-45% trong giai đoạn trước xung đột Ukraine đã giảm xuống còn 9%, theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Trong khi đó, hóa đơn năng lượng của EU đến các nhà cung cấp Nga tăng vọt. Trong giai đoạn tháng 1-9/2022, bất chấp lệnh cấm vận, EU đã trả cho các tập đoàn dầu khí của Nga 158 tỷ USD.

Để bù đắp vào khoảng trống lên đến hơn 155 tỷ m3 khí đốt từ Nga mỗi năm, EU đã đặt cược vào khí đốt của Mỹ. Từ năm 2016 nhờ công nghệ khai thác dầu khí đá phiến, Mỹ đã nhanh chóng trở thành một nhà cung cấp lớn của thế giới. Trong lĩnh vực LNG, Mỹ thậm chí đã vượt cả Qatar.

Vào lúc Nga dùng năng lượng như một loại vũ khí để gây sức ép với châu Âu, khóa các đường ống sang Đức, giảm nguồn cung cho Italy, ngừng cung cấp cho Ba Lan và Bulgaria, tổng kim ngạch xuất khẩu LNG của Mỹ vào EU đã tăng gấp đôi. Trong nửa đầu năm nay, EU nhập khẩu 27 triệu tấn LNG của Mỹ thay vì 21 triệu tấn LNG cho cả năm 2021. Trong cùng thời gian, số lượng tàu chở LNG từ Mỹ cập các bến cảng châu Âu cao hơn nhiều so với mức 230 lượt trong cả năm 2021.

Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy 70% xuất khẩu LNG trong năm 2022 của Mỹ được bán sang châu Âu thay vì 30% như năm 2021. Trên thị trường châu Âu, Mỹ là nguồn cung cấp đến gần 50% nhu cầu tiêu thụ LNG. Chính quyền Tổng thống Joe Biden mùa Xuân năm 2022 đã cam kết cung cấp đến 50 tỷ m3 khí hóa lỏng mỗi năm cho các đồng minh châu Âu và có khả năng xuất khẩu thêm 20 tỷ m3 nữa nếu EU chịu “trả giá” theo luật cung cầu.

Quảng cáo

Qatar đứng thứ hai nhưng bị bỏ xa lại phía sau với thị phần chỉ 15%, Nga trước mắt vẫn đứng thứ ba với 14% theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) hồi tháng 6/2022.

Thierry Bros, Giáo sư trường Khoa học Chính trị Paris Sciences Po, phân tích: “Châu Âu trông cậy nhiều vào Qatar và Mỹ là hai nhà sản xuất LNG tương đối rẻ, trong khi giá thành của Australia đắt hơn. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga châu Âu đã hướng về các nhà cung cấp tương đối gần với họ về mặt địa lý hoặc là gần gũi về chính trị. Trong bài toán này, EU sẽ hướng tới Qatar và Mỹ”.

Qatar: “Gã khổng lồ” sắp vươn vai thức dậy?

Khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, Qatar trở thành điểm hẹn của hầu hết các lãnh đạo châu Âu. Với diện tích chưa đầy 12.000 km2 và 2,8 triệu dân, Qatar là một mỏ khí đốt của thế giới, hiện đứng thứ 4 trong số các nhà cung cấp khí đốt. Đặc biệt trong lĩnh vực LNG, “đất nước nhỏ bé” này thậm chí ngang hàng với “gã khổng lồ” Mỹ và đã có những bước chuẩn bị để chiếm lĩnh thị phần của Nga.

Theo thẩm định của giới chuyên gia trong ngành, 50% tiềm năng cung cấp LNG cho thế giới đang do Qatar và Mỹ nắm giữ. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, thị phần của Qatar tại châu Âu đã tăng gấp đôi, từ hơn 7% vọt lên 15%.

Để có thể chiếm lĩnh thị trường LNG thế giới, từ nhiều năm qua, Qatar đã đẩy mạnh đầu tư với mục đích nâng khả năng cung cấp lên thêm 60% đến năm 2027. Có nghĩa là trong từ 4-5 năm nữa, mỗi năm Qatar sẽ cung cấp 110 triệu tấn LNG cho thế giới thay vì mức 77 triệu tấn LNG hiện tại.

Để đạt được mục tiêu này, Qatar đã huy động các tập đoàn quốc tế như Total Energies, Shell, Eni, Exxon Mobil và Conoco Phillips xây dựng nhà máy LNG lớn nhất thế giới. Hiện Qatar đang có 67 tàu chở dầu LNG và đã ký hợp đồng, chủ yếu là với tập đoàn đóng tàu Hàn Quốc, để trang bị thêm 100 chiếc nữa trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, chuyên gia về năng lượng, Giáo sư Thierry Bros của trường Khoa học Chính trị Paris, vẫn thận trọng nhắc lại rằng con số 110 triệu tấn LNG mà Qatar sẽ cung cấp cho thế giới hàng năm chỉ tương đương với 50% khí đốt của Nga tiêu thụ trong toàn khối EU.

Mặc dù vậy, trong cuộc họp báo cuối tuần qua, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida Al-Kaabi khẳng định rằng một khi các cơ sở mới bắt đầu hoạt động, Qatar sẽ dành từ 40-50% sản lượng để cung cấp cho châu Âu.

200434-du-bao-lam-phat-cua-duc-tiep-tuc-tang-7721.jpg

Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Berlin, Đức, ngày 8/9/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

LNG chưa thể giải quyết vấn đề thiếu năng lượng cho châu Âu

Mặc dù EU đang “săn lùng” LNG thông qua việc liên hệ với một số nước Trung Á, "sưởi ấm" quan hệ với một số nhà sản xuất ở châu Phi như Algeria… thậm chí quan tâm đến cả LNG của Malaysia, Indonesia - hai nguồn cung cấp tại Đông Nam Á, nhưng việc từ bỏ khí đốt của Nga vẫn là một chặng đường dài.

Chuyên gia Michael Stoppard thuộc hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s nhận định: “LNG là giải pháp duy nhất và sẽ làm đảo lộn trật tự trên thị trường năng lượng toàn cầu trong thập niên sắp tới, nhưng hiện tại sản lượng LNG của thế giới chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho thị trường châu Âu”. Nói cách khác trước mắt tình hình vẫn sẽ “rất căng thẳng trong từ 3-4 năm tới” vì nhiều lý do.

Trước hết, Qatar tuy có tiềm năng rất lớn nhưng khách hàng phải kiên nhẫn thêm ít nhất là cho đến khoảng năm 2025-2026 khi những nhà máy mới bắt đầu đi vào hoạt động.

Nhìn sang Mỹ, Tổng thống Biden đã cam kết bán LNG cho các đồng minh châu Âu, nhưng đó là một tuyên bố mang tính chính trị. Trong lúc tại Mỹ, ngành công nghiệp dầu khí do tư nhân kiểm soát và chỉ có một vài tập đoàn lớn mới có tiếng nói sau cùng.

Nhìn đến khả năng cung cấp LNG trên thế giới, Qatar hay Mỹ và kể cả Australia nếu muốn bán thêm cho châu Âu, cần phải có thêm những nhà máy nén khí. Hiện tại 7 nhà máy tại Mỹ đã hoạt động ở mức gần như tối đa. Ở đầu này của thị trường, để LNG thay thế khí đốt Nga mà từ trước đến nay được chuyển vào EU qua các đường ống dẫn, thì châu Âu cần xây dựng thêm các bến tiếp nhận tàu chở LNG, cần có thêm kho chứa LNG và các trạm tái khí hóa.

Hiện tại trên toàn châu lục, có khoảng 30 trạm tiếp nhận LNG đang hoạt động với công suất khoảng 70%. Từ khi chuyển hướng sang sử dụng LNG, Pháp và nhất là Đức đã thông báo xây dựng thêm các bến tiếp nhận LNG. Pháp đã mở thêm một trạm thứ 5 tại cảng biển Le Havre trong khi Đức dự tính thêm 4 cơ sở, một ở Hà Lan và hai tại Italy.

Tất cả những công trình đó đòi hỏi thời gian, vào lúc mà chỉ một vài tuần lễ nữa châu Âu đã bước vào mùa Đông. Những hợp đồng tập đoàn Total Energies vừa ký với Qatar tuy đầy hứa hẹn nhưng trong ngắn hạn chưa thể tháo gỡ bế tắc về năng lượng cho nước Pháp. Trong khi đó, hợp đồng của Đức mua LNG của UAE vẫn còn quá khiêm tốn để có thể thay thế khối lượng mà đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) vẫn cung cấp cho nước này từ trước tới nay.

Có thể thấy, sau khi xảy ra xung đột Ukraine, Nga đã đẩy khách hàng lớn nhất của các tập đoàn năng lượng Nga vào “vòng tay Mỹ” và gián tiếp tạo cơ hội để Qatar nhanh chóng trở thành tâm điểm trên một bàn cờ mang tính chiến lược.

Về phía châu Âu, trước mắt châu lục này vẫn lo thiếu điện cho mùa Đông sắp tới. Trong tương lai, nếu không còn lệ thuộc vào Nga về dầu khí, EU sẽ lệ thuộc vào Mỹ, vào các đối tác ở Trung Đông, tiêu biểu nhất là Qatar.

Theo Bnews Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Đồng euro yếu - công cụ để châu Âu ứng phó với thuế quan mới của Mỹ?

Nếu đồng euro yếu hơn, giảm xuống ngang giá với đồng USD, sẽ làm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc Mỹ có thể áp các mức thuế mới đối với hàng hóa của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đồng euro thắng thế trên thị trường tiền tệ toàn cầu Trung Quốc trở lại thị trường nợ với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro

Thế kẹt của kinh tế châu Âu

Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ. Nhiều người hy vọng rằng những nỗ lực mới đây của Trung Quốc trong việc tăng chi tiêu công có thể phục hồi tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ giảm điểm trong phiên 23/10 14 triệu lao động, 7% GDP và toàn ngành ô tô Châu Âu đang lao đao trước cơn bão xe điện Trung Quốc