Từ tháng 12/2022 đến nay, phương Tây đã nhắm vào nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, tung ra gói trừng phạt năng lượng lớn nhất từng được áp đặt đối với một quốc gia. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tờ The Economist, biện pháp trừng phạt này được cho là không gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Nga.
Hạn chế của biện pháp áp trần giá dầu
Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu áp dụng lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga từ ngày 5/2/2023 và trước đó, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga có hiệu lực từ ngày 5/12/2022. Đồng thời, Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), EU và Australia đã đưa ra giá trần đối với sản phẩm dầu do Nga cung cấp bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng.
Các chủ tàu hàng (hãng vận chuyển), người cho vay (hãng tài chính) và công ty bảo hiểm của phương Tây chỉ cung cấp dịch vụ cho hoạt động mua bán dầu của Nga nếu dầu được bán dưới mức “giá trần” là 60 USD/thùng.
Tuy nhiên, chính sách cấm nhập khẩu dầu và giới hạn giá dầu trong tháng 12/2022 có vẻ không thành công trong việc hạn chế doanh số bán dầu thô của Nga.
Sau một thời gian tạm lắng trong khi các công ty châu Âu tìm cách tuân thủ mức giá trần mới, các chuyến hàng đã được nối lại với tốc độ nhanh chóng và chúng không hướng đến châu Âu mà là Trung Quốc và Ấn Độ.
Xuất khẩu dầu chưa tinh chế của Nga, không bao gồm CPC - một hỗn hợp của Kazakhstan được vận chuyển từ Nga, đạt trung bình 3,7 triệu thùng/ngày trong bốn tuần tính đến 29/1/2023. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 6/2022 và cao hơn bất kỳ khoảng thời gian 4 tuần nào trong năm 2021.
Những ý kiến ủng hộ giới hạn giá cho rằng, đây là bằng chứng về sự thành công của kế hoạch. Rốt cuộc, các biện pháp trừng phạt nhằm đảm bảo rằng dầu của Nga tiếp tục lưu thông, giữ cho thị trường toàn cầu ổn định, nhưng hạn chế giá để lợi nhuận của Nga được kiểm soát.
Họ lập luận rằng giới hạn giá sẽ mang lại cho người mua quyền đàm phán, các tuyến đường xuất khẩu dài hơn cũng làm tăng chi phí vận tải mà Nga phải bồi thường cho khách hàng.
Bằng chứng cơ bản nhất cho thấy biện pháp giới hạn giá đang hoạt động chính là khoảng cách giữa giá dầu Brent và dầu thô Urals của Nga. Mức chênh giá này xuất hiện ngay sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, nhưng mở rộng ra một chút sau lệnh cấm vận, lên 32 USD/thùng. Do đó, dầu của Nga hiện được giao dịch với mức chiết khấu 38%.
Vào ngày 10/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, "kiến trúc sư" của biện pháp giới hạn giá dầu, nói rằng kế hoạch này đang đạt được những tiến bộ hướng tới các mục tiêu.
Tuy nhiên, vấn đề là các cơ quan báo cáo giá đã không điều chỉnh phương pháp của họ cho phù hợp với một thế giới mà dầu của Nga không còn được bán thông qua các kênh mà phương Tây có thể quan sát được. Trong khi các nhà tinh chế và thương nhân châu Âu thường chia sẻ dữ liệu với các công cụ theo dõi giá, thì các công ty Ấn Độ không làm như vậy.
Các tổ chức theo dõi hoạt động hàng hải cũng từng dựa vào các chỉ số có sẵn công khai để ước tính chi phí vận chuyển giữa các cảng phía Tây của Nga và các cảng dầu châu Âu. Ngược lại, giá vận chuyển dầu từ Nga sang châu Á được ấn định riêng.
Kết quả là những chiết khấu mà các quan chức phương Tây đưa ra là không chính xác. Dữ liệu hải quan từ Ấn Độ và Trung Quốc cho thấy hai nước đã trả nhiều tiền hơn cho dầu Urals trong mùa Đông này so với ước tính của nhiều người.
Trong khi đó, các công ty dầu mỏ của Nga rất muốn giảm hóa đơn thuế của họ và các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ muốn gây sức ép cho các nhà cung cấp khác.
Đáng chú ý hơn nữa là "cỗ máy xuất khẩu" của Nga đã trở nên ít phụ thuộc hơn vào cơ sở hạ tầng vận chuyển và tài chính của phương Tây, và do đó đã thoát khỏi phạm vi trừng phạt.
Ví dụ, để tránh giá trần - điều mà nhà cung cấp dịch vụ phương Tây quan tâm nhất trên thực tế bất kể họ là chuyên gia vận tải hay bảo hiểm, Nga đã nỗ lực tăng mạnh số tàu chở dầu của mình hoặc bắt đầu làm việc với các nhà cung cấp khác.
Theo một số nhà môi giới, Nga thậm chí đã mua hơn 100 tàu chở dầu cỡ lớn trong năm 2022. Trên một bài báo đăng trên ấn phẩm ngày 10/1 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chuyên gia an ninh năng lượng Ben Cahill cho biết: "Đã có hàng trăm tàu chở dầu được đổi chủ trong năm 2022, với nhiều công ty vô danh mua tàu".
Nhà máy lọc dầu Rosneft ở thị trấn Gubkinsky, vùng Siberia thuộc Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Phạm vi ảnh hưởng của vòng trừng phạt với dầu tinh chế
Từ ngày 5/2, các hạn chế tương tự đối với việc cung cấp các sản phẩm xăng dầu từ Nga (như dầu diesel, xăng và nhiên liệu cho máy bay phản lực) bắt đầu có hiệu lực. Liệu các biện pháp mới này có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn hay không?
Thực tế là các nước EU đã tăng cường mua dầu diesel của Nga trong những tháng gần đây để đảm bảo lượng dự trữ. Xuất khẩu dầu diesel của Nga sang các nước EU đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 12/2022, và bắt đầu giảm đáng kể trong tháng 1/2023.
Sau khi biện pháp trừng phạt có hiệu lực, Nga sẽ không dễ dàng tìm được người mua để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu từ EU, bởi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có các nhà máy lọc dầu của riêng họ. Và việc thay thế các tàu chở dầu tinh chế của châu Âu sẽ khó khăn. Do đó, một phần sản phẩm tinh chế của Nga, chiếm 1/3 doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của nước này, có thể không bán được và vì vậy có thể làm tăng giá toàn cầu.
Chuyên gia Lauri Myllyvirta thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan), dự đoán lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của Nga cũng sẽ có những tác động tương tự như đối với dầu thô. Cụ thể là "sự sụt giảm về số lượng ban đầu, sau đó buộc các nhà xuất khẩu Nga phải hạ giá để tìm người mua mới".
Tuy nhiên, theo thời gian, những hiệu ứng này có khả năng sẽ giảm dần. Nếu không thể bán dầu tinh chế, thì Nga có thể tăng khả năng xuất khẩu nhiều dầu thô hơn, tiếp thêm năng lượng cho hoạt động buôn bán ngầm.
Người châu Âu có thể chuyển sang Trung Quốc và Ấn Độ để mua dầu diesel, nhưng thực tế lượng dầu này có thể được sản xuất từ dầu thô của Nga. Khi nhiều dầu mỏ của Nga chảy ra ngoài tầm kiểm soát của phương Tây, các biện pháp phong tỏa có thể trở nên kém hiệu quả hơn.