Rủi ro khủng hoảng tài chính toàn cầu tăng mạnh

Fed đang mạo hiểm với việc kinh tế Mỹ có thể xảy ra suy thoái và rủi ro nâng cao tỷ lệ thất nghiệp, tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát chắc chắn sẽ tác động đến triển vọng kinh tế toàn cầu.

Theo báo Liên hợp buổi sáng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đồng thời nhắc lại lập trường “tiếp tục tăng lãi suất trong phạm vi mục tiêu là quyết định phù hợp” nêu ra trong tháng Bảy. Điều này cho thấy đà tăng lãi suất chưa dừng lại, mở rộng cánh cửa cho việc tăng lãi suất thêm 125 điểm cơ bản trước cuối năm nay.

Fed đang mạo hiểm với việc nền kinh tế Mỹ có thể xảy ra suy thoái và rủi ro nâng cao tỷ lệ thất nghiệp, tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát chắc chắn sẽ tác động đến triển vọng kinh tế toàn cầu. Những quốc gia nợ cao e rằng sẽ bùng phát khủng hoảng nợ chủ quyền, thậm chí xảy ra bạo loạn. Những gì mà Sri Lanka gặp phải là kinh nghiệm rất đáng để học hỏi.

Cùng ngày Fed tuyên bố tăng lãi suất, thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương nói chung suy giảm và tỷ giá đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 20 năm. Để ngăn chặn dòng vốn đầu tư nước ngoài tháo chạy chuyển sang mua tài sản của Mỹ nhằm bảo toàn giá trị, ngân hàng trung ương các nước Indonesia, Philippines, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sỹ và Na Uy… buộc phải tăng lãi suất để bảo vệ giá trị đồng nội tệ. Điều này khiến cho mọi người liên tưởng đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Năm 1997, đồng USD tăng giá dẫn đến nợ nước ngoài khổng lồ định giá bằng USD của các nước châu Á không chịu nổi sức ép. Hệ quả là bùng phát khủng hoảng nợ công ở nhiều nước, Thái Lan, Indonesia và thậm chí là Hàn Quốc cuối cùng đều phải tìm đến sự viện trợ của các tổ chức quốc tế.

Gần đây, nhiều tổ chức quốc tế đều lần lượt phát đi cảnh báo về khả năng xảy ra khủng hoảng nợ công. Một bài báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hồi tháng 5/2022 đã viện dẫn dữ liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) nhấn mạnh, tổng quy mô nợ toàn cầu hình thành từ các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ đã lên đến 3,03 triệu tỷ USD vào năm 2021, trong khi số liệu của năm 2020 là 2,26 triệu tỷ USD.

Bài báo cũng trích dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, dù giàu hay nghèo thì tỷ lệ nợ/Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước trên thế giới sau khi bùng phát dịch COVID-19 vào năm 2020 đều cao hơn nhiều so với mức sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính Phố Wall năm 2009.

vna-potal-fed-khai-mac-cuoc-hop-chinh-sach-dau-tien-trong-nam-2021-stand-20220628204632-4117.jpg
Quảng cáo

Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Washington, DC. Ảnh: AFP/ TTXVN

Để ứng phó với chi tiêu cho y tế công cộng gia tăng do dịch bệnh gây nên, cũng như mở rộng cứu trợ xã hội để phòng ngừa rủi ro tăng trưởng kinh tế thu hẹp do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt gây nên, chính phủ các nước buộc phải vay nợ với số lượng lớn. Cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, xung đột làm cho nguồn cung năng lượng và lương thực thiếu hụt, hệ lụy là tình hình thâm hụt ngân sách của các nước trầm trọng hơn.

Do thương mại quốc tế và các khoản vay trên thị trường quốc tế đều sử dụng đồng USD để định giá, nên việc Fed tăng lãi suất đẩy tỷ giá đồng USD lên cao chắc chắn là một cú sốc kép đối với rất nhiều nước: Nợ nước ngoài ngắn hạn phải trả và lãi suất đột ngột tăng mạnh, dự trữ ngoại hối cũng mỏng đi nhanh chóng do thâm hụt thương mại.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 xuất hiện dưới hình thức hiệu ứng domino, và không thể đánh giá thấp khả năng tái diễn kịch bản này. Do đó, sự kiện vỡ nợ của Sri Lanka đã dẫn đến sự quan ngại chung.

Số liệu thống kê do IMF công bố ngày 29/8 cho thấy, trên thế giới có 8 nước đã rơi vào tình cảnh khó khăn về nợ nần, ngoài ra còn có 29 nước khác thuộc diện rủi ro cao, 25 nước rủi ro trung bình và 7 nước rủi ro thấp. Rất nhiều nước buộc phải giảm chi tiêu cho y tế công cộng do áp lực nợ nần. Theo hình dung của Liên hợp quốc, một “cơn sóng thần nạn đói” sẽ tấn công 345 triệu người của 82 nước.

Các nước phát triển cũng khó tránh khỏi cơn bão này. Cường độ tăng lãi suất của Fed cho thấy, mục tiêu chính sách kiểm soát tỷ lệ lạm phát cao hơn nhiều so với việc tránh suy thoái kinh tế và tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Tỷ lệ lạm phát tháng Tám của Mỹ là 8,3%, kinh tế Mỹ quý 2/2022 đã xuất hiện tình trạng suy thoái kỹ thuật, nếu tiếp tục tăng lãi suất thì sẽ tác động đến mức độ sẵn sàng đầu tư của doanh nghiệp và mức độ sẵn sàng tiêu dùng của người dân, kinh tế suy thoái sẽ là điều khó tránh khỏi, và số người thất nghiệp đương nhiên sẽ gia tăng.

Nếu kinh tế Mỹ suy thoái, các nước phát triển chắn chắn bị liên lụy. Ngoài ra, chính sách “Không COVID” (Zero COVID) kéo dài của Trung Quốc cũng khiến cho nền kinh tế đi xuống, từ đó kéo sụt hơn nữa bước đi phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Trong một bài phát biểu ngày 22/9, Bộ trưởng Điều phối về chính sách kinh tế và xã hội Singapore Tharman Shanmugaratnam cảnh báo, thời kỳ lạm phát thấp và lãi suất thấp đã qua, những tiến bộ đạt được đến nay của các nước đang phát triển có thể sẽ thụt lùi, hơn nữa ảnh hưởng sẽ rất sâu rộng. Bên cạnh đó, những thay đổi địa chính trị bao gồm đọ sức Mỹ-Trung khiến thế giới bất ổn hơn.

Theo Bnews Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Đồng euro yếu - công cụ để châu Âu ứng phó với thuế quan mới của Mỹ?

Nếu đồng euro yếu hơn, giảm xuống ngang giá với đồng USD, sẽ làm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc Mỹ có thể áp các mức thuế mới đối với hàng hóa của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đồng euro thắng thế trên thị trường tiền tệ toàn cầu Trung Quốc trở lại thị trường nợ với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro

Thế kẹt của kinh tế châu Âu

Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ. Nhiều người hy vọng rằng những nỗ lực mới đây của Trung Quốc trong việc tăng chi tiêu công có thể phục hồi tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ giảm điểm trong phiên 23/10 14 triệu lao động, 7% GDP và toàn ngành ô tô Châu Âu đang lao đao trước cơn bão xe điện Trung Quốc