Một số những nhà đầu tư hàng đầu thế giới đang tin rằng khoảng thời gian tệ nhất của quá trình tăng giá của đồng USD đã đi qua sau khoảng thời gian tăng nóng và gây xáo trộn kinh tế toàn cầu theo cách chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại, theo Bloomberg đưa tin.
Sau khi tăng giá chóng mặt lên ngưỡng cao của nhiều thập kỷ vào năm ngoái, làm tồi tệ hơn tình trạng đói nghèo cũng như đẩy cao lạm phát tại nhiều nước, từ Pakistan cho đến Ghana, đồng tiền này hiện đã bước vào giai đoạn mà nhiều chuyên gia gọi rằng sự bắt đầu của quá trình suy giảm kéo dài nhiều năm.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng đồng USD nhiều khả năng sẽ giảm giá bởi các đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như đã gần hoàn tất và gần như tất cả các loại tiền tệ khác sẽ đều tăng giá khi mà nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt. Dữ liệu gần đây khiến cho nhiều người cân nhắc lại về việc lãi suất tại Mỹ sẽ tăng đến mức độ nào. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đang giữ nguyên kỳ vọng này, thậm chí kể cả sau khi đồng USD lấy lại phần lớn mức sụt giảm tính từ đầu năm.
“Quá trình lập đỉnh của đồng USD đã ở sau lưng chúng ta và trước mắt chúng ta có một đồng USD yếu về cấu trúc. Tuy nhiên, lạm phát tại Mỹ khá dai dẳng còn tỷ giá trên thị trường đang phát đi thông điệp lãi suất tại Mỹ sẽ ở ngưỡng cao trong thời gian dài hơn, thế nhưng ngay cả điều đó cũng không làm mất đi thông điệp rằng có nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đuổi kịp Mỹ”, chuyên gia phân tích thị trường kiêm trưởng bộ phận nghiên cứu tại quỹ đầu tư K2 Asset Management – ông George Boubouras khẳng định.
Những tác dụng mà đồng USD yếu mang đến cho thế giới không thể bị bỏ qua. Giá cả nhập khẩu hàng hóa của nhóm các nước đang phát triển sẽ giảm, nhờ vậy mà lạm phát đi xuống. Đồng USD yếu nhiều khả năng sẽ đẩy cao giá cả của một loạt các loại hàng hóa, từ vàng cho đến các tài sản rủi ro hay tiền mã hóa khi mà tâm lý thị trường cải thiện.
Thực tế này có thể làm hạ nhiệt một số thiệt hại trong năm 2022 khi mà đồng USD mạnh cũng gây ra nhiều hậu quả: lạm phát cao hơn khi mà chi phí thực phẩm và dầu tăng mạnh, nhiều nước như Ghana bị đẩy đến bên bờ vực vỡ nợ, trong khi đó nhà đầu tư chứng khoán và trái phiếu mệt mỏi với tình trạng thua lỗ kéo dài.
Sự tăng giá của đồng USD nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt cùng với việc chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu của Fed với nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới bất chấp nỗ lực hạ giá cả tăng nóng. Nhiều nhà hoạch định chính sách khu vực đồng tiền chung châu Âu và Australia hiện đang phát đi thông điệp rằng sẽ cần thêm các biện pháp nâng lãi suất để có thể kiềm chế lạm phát, cùng lúc đó hiện đang xuất hiện ngày một nhiều đồn đoán về khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật sẽ từ bỏ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong năm nay.
Các dữ liệu công bố gần đây cho thấy chi phí lãi vay tại Mỹ nhiều khả năng sẽ lập đỉnh trong tháng 7/2023 và khả năng hạ lãi suất có thể diễn ra ngay từ đầu năm 2024 khi mà Ngân hàng Trung ương Mỹ thay đổi mục tiêu chính sách.
Những kỳ vọng mới nhất có thể thấy rõ trong diễn biến của đồng USD, chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index giảm khoảng 8% sau khi lập kỷ lục vào tháng 9/2022. Cùng lúc đó, trong tháng vừa qua, nhà đầu tư mua trái phiếu của các nước mới nổi ở tốc độ nhanh nhất trong 2 năm.
“Chúng tôi nghĩ rằng đồng USD đã lập đỉnh và xu thế bi quan nhất trong nhiều năm đã bắt đầu”, trưởng bộ phận chiến lược thị trường mới nổi khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng BNP Paribas SA – ông Siddharth Mathur phân tích. Ông Mathur nói: “Chúng tôi nhìn chung bi quan về triển vọng đồng USD và dự báo về khả năng suy yếu trong năm 2023, đặc biệt về nửa sau”.
Một số thành viên thị trường cho rằng việc Fed lựa chọn nâng lãi suất ở mức độ nhẹ bởi kỳ vọng rằng áp lực giá cả sẽ giảm đi. Quan điểm này phần nào trái chiều với đánh giá của ngân hàng trung ương Mỹ về việc lạm phát sẽ vẫn là mối lo và rằng các đợt nâng lãi suất là cần thiết để đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%.
Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại quỹ Morgan Stanley Investment Management, ông Eric Stein nhận xét: “Hiện vẫn có quá nhiều sự thắt chặt của Fed trong hệ thống. Fed nói rằng lạm phát sẽ có thể về mức 2%, tuy nhiên trên thực tế nó có thể là 3%. Tôi không nghĩ họ sẽ vẫn nâng lãi suất lên ngưỡng 6% bởi điều đó”.