Khi mà rủi ro suy thoái kinh tế ngày một ám ảnh toàn cầu, gây tổn hại đến tăng trưởng thế giới thì việc khôi phục lại sự tăng trưởng này đang được các nhà hoạch định chính sách kinh tế quan tâm nhiều nhất tại hội nghị thượng đỉnh G-20 của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi.
Kinh tế châu Âu có thể đang rơi vào suy thoái khi mà Nga vẫn hạn chế nguồn cung năng lượng nhằm trả đũa cho các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến việc căng thẳng Nga – Ukraine leo thang. Lạm phát bắt nguồn từ xung đột đang khiến cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu ảnh hưởng tồi tệ về mặt tài chính khi chi phí nhập khẩu năng lượng và thực phẩm leo thang.
Trong bối cảnh này, ngân hàng trung ương nhiều nước, trong đó nổi bật nhất phải kể đến Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) đã không ngừng nâng lãi suất cơ bản đồng USD, gây áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đẩy cao chi phí nợ đối với chính phủ các nước mới nổi vốn đang nợ nần chồng chất.
“Khi chúng ta nhìn vào bức tranh bi quan này, yếu tố gây nhiều rắc rắc hơn cả chính là xu thế phân cực trong khi ở thời điểm hiện tại chúng ta cần sự hợp tác nhiều nhất. Và đồng thời tôi rất lo ngại về khả năng chúng ta sẽ bước vào một thế giới nghèo hơn và kém an toàn hơn”, giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – bà Kristalina Georgieva cho hay.
Áp lực kinh tế hiện tại không có nhiều dấu hiệu sẽ suy giảm. Ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới hiện vẫn đang tính đến việc tiếp tục nâng lãi suất. Mỹ và các nước đồng minh đang cố gắng hạn chế giá dầu Nga còn Saudi Arabia hiện đang dẫn đầu nhóm các nước xuất khẩu dầu, cả hai yếu tố này tiềm ẩn rủi ro khiến cho nguồn cung dầu suy giảm hơn nữa.
Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc, hai nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, hiện đang đối đầu về nhiều vấn đề từ thương mại cho đến công nghệ hay an ninh quốc gia cũng như Đài Loan. Vào ngày thú Hai tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều khả năng sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng sẽ có cuộc gặp với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc – ông Dịch Cương nhằm bàn đến vấn đề triển vọng kinh tế và nhiều vấn đề khác.
Trong báo cáo công bố vào tuần này, chuyên gia kinh tế thuộc Goldman Sachs cho biết họ tính toán rằng việc Mỹ cấm xuất khẩu chip sang Trung Quốc với lý do bảo vệ an ninh quốc gia sẽ lấy đi khoảng 0,25% tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2023.
Những yếu tố căng thẳng này và nhiều sự căng thẳng khác đồng nghĩa rằng bất kỳ những nỗ lực phối kết hợp để kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu có được từ hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ gần như không có tác dụng. Khi mà ngân hàng trung ương các nước tập trung kiềm chế lạm phát, các chuyên gia kinh tế khẳng định chính phủ các nước cần phải cố gắng xử lý các tác động từ việc lãi suất tăng cao, đặc biệt khi mà các vấn đề không còn tồn tại chỉ riêng trong nhóm quốc gia nào mà ảnh hưởng toàn diện đến cả các nước giàu.
Chính phủ các nước G-20 trước đây đã từng phản ứng mạnh để cứu kinh tế. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã đồng ý với kế hoạch tập trung vào tái cấp vốn cho các ngân hàng, đồng thời kích thích kinh tế bằng các biện pháp tài khóa và tiền tệ.
Bộ trưởng Tài chính tại Indonesia – nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G-20 lần này, ông Sri Mulyani Indrawati, nhận xét môi trường hiện tại khác hoàn toàn với lần họp G-20 gần nhất. Cho đến hiện tại, bộ trưởng tài chính các nước G-20 đã không thể thống nhất được về thậm chí một tuyên bố chung, họ đối đầu với nhau về nhiều vấn đề, từ các tác động kinh tế từ căng thẳng Nga – Ukraine cũng như các biện pháp trừng phạt.