Tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc suy giảm mạnh trong quý vừa qua do xuất khẩu giảm đi và đồng nội tệ yếu, tuy nhiên kết quả tăng trưởng kinh tế như thế này không thể ngăn Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố GDP Hàn Quốc trong khoảng thời gian 3 tháng tính đến cuối tháng 9/2022 tăng trưởng 0,3% so với quý liền trước. Còn so với cùng kỳ, GDP Hàn Quốc tăng trưởng 3,1%.
Áp lực lên kinh tế Hàn Quốc đang lớn dần lên khi mà lãi suất tăng nhanh và tăng trưởng xuất khẩu chững lại, thâm hụt thương mại vì vậy leo thang. Điều này lý giải cho việc tại sao đồng won đang yếu đi xuống những mức thấp chưa từng thấy tính từ khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009, chi phí nhập khẩu leo thang và lạm phát lên mạnh.
Trong quý 3/2022, lạm phát tại Hàn Quốc lên mức cao nhất trong 24 năm và sang đến quý hiện tại vẫn đang ở ngưỡng cao, chính vì vậy BOK buộc phải duy trì việc siết chặt chính sách tiền tệ. Trong tháng 7 và tháng 10/2022, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc nâng lãi suất ước tính khoảng nửa điểm phần trăm, BOK cố gắng giữ cho chênh lệch lãi suất giữa Hàn và Mỹ không nới rộng ra quá nhiều, đồng won vì vậy chịu không ít áp lực.
“Những con số mới nhất nhiều khả năng sẽ không thể khiến cho BOK thay đổi định hướng chính sách, xét đến việc trọng tâm của BOK tập trung vào lạm phát và ổn định tài chính, trong đó có đồng nội tệ. Khi mà chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến quyết định chính sách tiền tệ tiếp theo, nhiều khả năng BOK sẽ nâng lãi suất khoảng 25 hoặc 50 điểm cơ bản”, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng KB Kookmin – ông Chang Jaechul nhận định.
Lãi suất cao đã gây sức ép lên thị trường tín dụng Hàn Quốc và một vụ vỡ nợ của doanh nghiệp địa phương khiến cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp có quá nhiều biến động. Chính phủ Hàn Quốc đã nhập cuộc với cam kết cung cấp ít nhất 50 nghìn tỷ won, cố gắng cải thiện niềm tin của nhà đầu tư.
Tâm lý trên các thị trường tài chính xấu đi nhiều khả năng sẽ vẫn kéo dài khi mà BOK vẫn cam kết nâng lãi suất cho vay. Người tiêu dùng đương đầu với một môi trường đầy thách thức khi mà lạm phát cao, chi phí lãi vay tăng lên gây tổn hại đến sức mua của họ. Đồng won là đồng tiền giảm giá mạnh thứ hai tại châu Á chỉ sau đồng yên trong năm 2022 này.
Chính phủ đồng thời vẫn giữ kế hoạch chi tiêu tài khóa hạn chế sau khi tung ra gói kích thích quy mô khủng để duy trì nền kinh tế trong đại dịch COVID-19. Giới chức đã nới lỏng chính sách kiểm soát COVID-19 để hỗ trợ cho hoạt động kinh tế tư nhân và tăng tiêu dùng.
So với quý liền trước, tiêu dùng tư nhân tăng 1,9% còn chi tiêu chính phủ tăng 0,2%. Xuất khẩu tăng trưởng 1% còn đầu tư thiết bị tăng trưởng 5%.
Nhập khẩu tăng 5,8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Kết quả, xuất khẩu ròng giảm 1,8 điểm phần trăm.
Theo Bnews, để đối phó với tình hình bất ổn của thị trường trái phiếu gây ra bởi sự vỡ nợ của tín phiếu dự án công viên giải trí Legoland, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định giảm mạnh việc phát hành trái phiếu chính phủ trong hai tháng còn lại của năm nay.
Cùng với đó, các cơ quan tài chính đã bắt đầu tiến hành một cuộc thanh tra toàn diện đối với các khoản vay tài trợ dự án bất động sản (PF). Điều này là do lo ngại các khoản vay bảo lãnh cho PF đã vượt quá 150 nghìn tỷ won, sẽ trở thành một kênh nợ xấu do bị tác động kết hợp của việc thị trường tiền tệ thắt chặt và thị trường bất động sản sụt giảm.
Phát biểu với báo giới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cho biết căn cứ tình hình thị trường, Hàn Quốc sẽ linh hoạt điều chỉnh và “việc phát hành trái phiếu chính phủ sẽ giảm mạnh so với mục tiêu".
Ngày 25/10, Ủy ban Dịch vụ Tài chính và Dịch vụ Giám sát Tài chính đã bắt đầu tiến hành xem xét tình trạng cho vay của 5.000 dự án kinh doanh bất động sản PF trên cả nước. Một quan chức của cơ quan tài chính thuộc chính phủ cho biết “Chúng tôi dự kiến sẽ kiểm tra toàn diện tình trạng khoản vay, tiến độ kinh doanh và khả năng sinh lời vào cuối tháng này”.