Những cổ phiếu hồi phục sau một đợt thị trường hoảng loạn
Thiệt hại của nhóm cổ phiếu Chứng khoán thực tế vẫn còn sau phiên giao dịch 15/8. Một số cổ phiếu Chứng khoán lớn SSI, SHS, BSI, VND vẫn trong trạng thái thị trường con gấu (Bear market) khi đã giảm hơn 20% từ đỉnh của năm.
Trong 35 cổ phiếu Chứng khoán được thống kê, chỉ có 7 mã đang có xu hướng tăng ngắn hạn, tương đương chỉ có 20% số mã có trạng thái giao dịch cao hơn mức giá bình quân 20 phiên gần nhất.
Hoặc nhìn đơn giản hơn, nhiều cổ phiếu đang khiến nhà đầu tư thua lỗ nếu tính từ đầu năm 2024 như SSI giảm 5,8%, VND giảm 27,1%, SHS giảm 19,6%.
Các thống kê trên có thể tạo thêm bi quan nhưng nếu nhìn theo xu hướng giao dịch trong 2 tuần trở lại đây, đây lại là giai đoạn các cổ phiếu Chứng khoán có chuyển biến tích cực hơn. Trước đó, đã có thời điểm toàn bộ các mã cùng xuyên thủng khỏi đường MA20.
Trong 7 mã đã lấy lại xu hướng tăng ngắn hạn, nổi bật nhất là cổ phiếu HBS sau khi có thông tin trả cổ tức 20% tiền mặt và thay đổi các vị trí trong HĐQT và Ban Kiểm Soát. Cổ phiếu này đã tăng 6/8 phiên gần nhất trên HNX trong đó phiên giao dịch ngày 12/8 đã tăng gần 10%.
Cùng với đó, một số cổ phiếu có thanh khoản tốt hơn như FTS, BSI, HCM, VCI cũng có những tín hiệu khởi sắc phát đi thêm những hy vọng cho nhà đầu tư đang còn cảm thấy bi quan.
Sự chuyển biến về mặt tâm lý có thể còn tốt hơn nếu nhịp hấp thụ lại lực cung chốt lời và từ cổ phiếu cắt lỗ không làm xuất hiện những vận động vượt ngoài kiểm soát. Đồng nghĩa các cổ phiếu Chứng khoán có thể hoàn tất đáy thứ 2 cao hơn sau nhịp rơi đã qua.
Nghịch cảnh sau mùa BCTC quý II/2024
Câu chuyện về giá cổ phiếu Chứng khoán sẽ còn đáng chú ý hơn khi vừa có một mùa báo cáo tài chính (BCTC) khá tích cực. Trong quý II/2024, mặc dù một số doanh nghiệp như VND, VIX ghi nhận lợi nhuận suy yếu nhưng nhìn chung kết quả nhóm ngành vẫn tăng trưởng.
Số liệu tổng hợp từ 30 công ty chứng khoán (CTCK) cho thấy doanh thu hoạt động tăng trưởng 13% so với quý I/2024, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 2,1%, đạt hơn 5.600 tỷ đồng.
Trong vòng 9 quý trở lại đây, mức lợi nhuận sau thuế của quý II/2024 được ghi nhận cao nhất. Còn trong nửa đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế đã tăng trưởng tới 68% so với cùng kỳ, đạt hơn 11.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, quy mô cho vay tiếp tục phá kỷ lục, một số CTCK như TCBS, SSI đã vượt qua mức dư nợ cho vay hơn 20.000 tỷ đồng. Ông lớn HCM (HSC) cũng đang nhăm nhe mốc cho vay 20.000 tỷ đồng sau khi đã mở rộng dư nợ thêm 30% trong quý II/2024 lên trên 18.500 tỷ đồng.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thuý - Chuyên gia phân tích KB Việt Nam (KBSV), VN-Index bước vào nhịp giảm mạnh và phân hóa mạnh sau khi kết thúc mùa báo cáo tài chính quý II/2024. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt vẫn bị bán mạnh, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng rất nhiều sau các thông tin tiêu cực đang tác động đến thị trường.
Trong khi đó, báo cáo mới đây của VIS Rating về nhóm ngành Chứng khoán cho biết lợi nhuận cho vay ký quỹ và đầu tư đã cải thiện đáng kể trong 6 tháng năm 2024, đặc biệt đối với các CTCK lớn.
Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của toàn ngành tăng từ 4,3% trong 2023 lên 5,1% trong 6 tháng năm 2024. Tâm lý thị trường mạnh mẽ trong bối cảnh lãi suất thấp và tỷ lệ chậm trả gốc/lãi trái phiếu phát sinh mới giảm dần đã thúc đẩy khối lượng giao dịch, định giá cổ phiếu, và khuyến khích nhà đầu tư vay ký quỹ nhiều hơn.
Lợi nhuận từ cho vay ký quỹ của các CTCK lớn (SSI, VPSS, HCM, MBS) đã tăng 40-70% so với cùng kỳ năm trước trong khi lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tăng 25%.
Các CTCK tích cực tư vấn và phân phối trái phiếu (TCBS, ORS) ghi nhận lợi nhuận tăng đáng kể từ phân phối, tư vấn và lưu ký trái phiếu với mức tăng trung bình 160%. Các công ty có danh mục đầu tư cổ phiếu lớn (VCI, SHS, VDS) đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về lợi nhuận từ hoạt động đầu tư.
Trong nửa cuối năm 2024, VIS Rating kỳ vọng lợi nhuận từ cho vay ký quỹ và đầu tư các tài sản có thu nhập cố định sẽ giúp CTCK duy trì ROAA ở mức ổn định, mặc dù có sụt giảm giá trị thị trường cổ phiếu từ mức đỉnh quý I năm 2024.