Nhờ xung đột Ukraine, lợi nhuận dầu khí của Na Uy lập kỷ lục năm 2022

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã thay đổi thị trường năng lượng, khiến nguồn cung giảm xuống trong khi giá lại tăng lên, giúp ngành dầu khí Na Uy thu lợi nhuận kỷ lục. Dự kiến, năm 2023, kỷ lục mới sẽ được thiết lập.

Sau một số năm thành công trước đó, Na Uy một lần nữa có mức lợi nhuận dầu khí kỷ lục vào năm 2022 nhờ tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với thị trường năng lượng.

Theo trang oilprice.com, khi giá năng lượng tăng vọt vào năm 2022 trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine khiến dầu mỏ và khí đốt khan hiếm ở châu Âu, Na Uy đã đạt lợi nhuận đáng kể trong suốt cả năm này.

Na Uy đã nhanh chóng nhảy vào cung cấp khí đốt cho các quốc gia châu Âu đang thiếu dầu khí nghiêm trọng, trở thành quốc gia đưa ra một giải pháp thay thế cho dầu khí Nga. Nhờ có vị trí thuận lợi trên thị trường năng lượng quốc tế, Na Uy dự kiến tiếp tục thu được lợi nhuận kỷ lục trong suốt năm 2023.

Vào tháng 10/2022, công ty dầu khí Na Uy Equinor đã công bố lợi nhuận quý 3 kỷ lục, đạt 24,3 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 và tăng hơn 9,77 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Điều này phần lớn là nhờ nhu cầu tăng sau đại dịch và giá khí đốt cao hơn, gần như tăng gấp ba lần kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine. Con số lợi nhuận này lớn hơn dự đoán thu nhập trước đó là 23,5 tỷ USD.

Giám đốc điều hành Equinor, ông Anders Opedal, cho biết: “Cuộc xung đột ở Ukraine đã thay đổi thị trường năng lượng, giảm nguồn cung năng lượng và tăng giá. Sản xuất nhiều kết hợp với mức giá cao liên tục đã mang lại kết quả tài chính rất tốt”.

Do các lệnh trừng phạt năng lượng của Nga, Equinor trở thành nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu năm 2022, làm giảm thị phần của công ty Nga Gazprom.

Mặc dù có lợi nhuận cao, nhưng Equinor chỉ đạt mức tăng trưởng sản xuất 1% vào năm 2022 so với năm trước, thấp hơn mức tăng 2% theo kế hoạch. Điều này chủ yếu là do chậm trễ trong quá trình phát triển Giai đoạn 2 của mỏ dầu Johan Sverdrup. Equinor kỳ vọng giai đoạn mới của Johan Sverdrup sẽ tăng sản lượng dầu thô thêm 220.000 thùng/ngày.

Chính phủ Na Uy cho rằng thành công của nước này trong ngành dầu khí sẽ kéo dài trong phần lớn thời gian năm 2023 và dự báo doanh thu từ dầu khí là 131 tỷ USD trong năm nay. Nếu đạt con số này, đây sẽ là kỷ lục mới, đánh dấu mức tăng 18% vào năm 2022 và gấp 5 lần con số của năm 2021. Na Uy dự đoán sản lượng trung bình là 4,3 triệu thùng/ngày, nhiều hơn so với 4,1 triệu vào năm 2022.

Mặc dù Thủ tướng Jonas Gahr Stoere đã bác bỏ lời kêu gọi áp giá trần khí đốt, nhưng Na Uy đã đưa ra khoản thuế lợi nhuận áp vào các công ty dầu khí nước này. Ông Stoere cho rằng áp trần giá sẽ không hỗ trợ thúc đẩy sản xuất cần thiết để đáp ứng nhu cầu khí đốt cao của châu Âu, vì châu lục này tiếp tục thiếu năng lượng.

Quảng cáo

Tuy nhiên, thuế dầu khí của Na Uy sẽ tăng khoảng 195 triệu USD vào năm 2023, khi chính phủ đảo ngược gói khuyến khích được đưa ra trong thời kỳ đại dịch.

Trong khi ngành dầu khí của Na Uy tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu hóa thạch và đạt lợi nhuận kỷ lục, vẫn có những lo ngại về việc phụ thuộc liên tục vào các nguồn năng lượng có lượng khí thải nhà kính cao.

Kể từ năm 2020, Na Uy đã vận hành gần như hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo. Nhưng nước này vẫn có các dự án dầu khí quy mô lớn, lợi nhuận cao để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng.

Dù luôn phấn đấu trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo và đi đầu trong quá trình chuyển đổi sang môi trường xanh, nhưng Na Uy vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt.

Na Uy là quốc gia giàu thứ 7 tính theo GDP bình quân đầu người và thu nhập của nước này tăng vọt trong năm qua nhờ dầu mỏ và khí đốt. Điều này giúp Na Uy bơm tiền vào phát triển năng lượng tái tạo, cũng như hỗ trợ các quốc gia khác trong quá trình chuyển đổi.

Khoản lợi nhuận từ dầu khí trong xung đột Ukraine đã từng khiến dư luận cả trong nước và ngoài nước chỉ trích Na Uy.

Tháng 9/2022, ông Rasmus Hansson, một cựu lãnh đạo của đảng Xanh Na Uy, gọi vấn đề kiếm lời từ việc tăng giá chủ yếu do xung đột Ukraine là “sai lầm về mặt đạo đức” và cho rằng Na Uy cũng có nguy cơ làm tổn hại quan hệ với các đối tác thương mại quan trọng của châu Âu.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng Na Uy quá ích kỷ. Chúng ta đang thu được một khoản lợi nhuận rất lớn, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu số tiền đó có nên thuộc về chúng ta hay không khi thu nhập tăng thêm có nguồn gốc từ cuộc xung đột ở Ukraine?”.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng Na Uy nên chia sẻ lợi nhuận khổng lồ do giá dầu và khí đốt tăng cao, đặc biệt là chia sẻ với Ukraine.

Bà Teresa Ribera, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái của Tây Ban Nha, đã nói rằng giá khí đốt được trả cho Na Uy là “đáng lo ngại”.

Theo Báo Tin tức Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Giới siêu giàu Hàn Quốc lựa chọn đầu tư an toàn hơn vào năm 2025

Một báo cáo công bố ngày 22/12 cho hay, giới siêu giàu Hàn Quốc, chiếm chưa đến 1% dân số nước này, đang lựa chọn các lựa chọn đầu tư rủi ro thấp vào năm tới do tình hình kinh tế không chắc chắn.

Xuất khẩu nông sản của Hàn Quốc lập kỷ lục mới Chứng khoán Seoul trượt dốc do căng thẳng chính trị tại Hàn Quốc

Đồng euro yếu - công cụ để châu Âu ứng phó với thuế quan mới của Mỹ?

Nếu đồng euro yếu hơn, giảm xuống ngang giá với đồng USD, sẽ làm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc Mỹ có thể áp các mức thuế mới đối với hàng hóa của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đồng euro thắng thế trên thị trường tiền tệ toàn cầu Trung Quốc trở lại thị trường nợ với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro