Nhật Bản dừng nhập khẩu thanh long ruột đỏ nếu không khai báo giống và bản quyền

Gần đây Nhật Bản yêu cầu thanh long ruột đỏ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này phải có mã số vùng trồng, giống và bản quyền sở hữu trí tuệ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vấn đề hiện nay là chỉ thị trường Nhật Bản đồng ý nhập khẩu thanh long ruột đỏ (LĐ1), nhưng LĐ1 lại thuộc quyền sở hữu của một doanh nghiệp, còn xuất khẩu LĐ1 lại là một doanh nghiệp khác.

Đại diện Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cho biết, công ty sẵn sàng chia sẻ bản quyền mức phí thu từ 10 triệu đến 30 triệu đồng/1.000 tấn, tùy theo số lượng.

Theo quy định của Cục Bảo vệ thực vật, để được cấp mã số thì vùng trồng phải chứng minh được tên giống, tức là phải có giấy xác nhận mua giống LĐ1 từ nơi sản xuất là Viện Cây ăn quả miền Nam. Tuy nhiên cả doanh nghiệp xuất khẩu và người dân đều không có.

Vì sao Hoàng Phát được thu phí bản quyền?

Theo đại diện Công ty TNHH Chế biến trái cây Yasaka, giữa tháng 1/2023, khi xuất khẩu 5 container (khoảng 70 tấn) thanh long ruột đỏ trị giá 190.000 USD đi thị trường Nhật Bản thì bất ngờ Yasaka bị vướng rào cản. Lý do, vì từ năm 2009 Nhật Bản cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, đến năm 2017 họ cho nhập khẩu thanh long ruột đỏ mà không cần mã số vùng trồng, nhưng đến giữa tháng 1/2023 Nhật Bản yêu cầu những chứng từ này.

Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Long An cho hay, Sở đã làm việc với Công ty Hoàng Phát và Viện Cây ăn quả miền Nam, phía Hoàng Phát cho biết đối với các thị trường khác họ không yêu cầu về bản quyền nhưng với Nhật Bản và Hàn Quốc, doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu sang hai thị trường này phải đàm phán thương lượng với Hoàng Phát về bản quyền giống.

“Vấn đề này nhà nước không thể can thiệp và việc Hoàng Phát yêu cầu thu phí đối với thanh long ruột đỏ xuất khẩu vào Nhật Bản là đúng vì họ đang làm đúng luật, và Sở chỉ có thể hỗ trợ hai bên trong việc thương lượng”, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An nói.

Đối với mức thu phí là 30.000 đồng/tấn hàng, tương đương 30 đồng/kg do Công ty Hoàng Phát đưa ra, ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc hợp tác xã Vân Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Long An hoàn toàn đồng ý nhưng Hoàng Phát chỉ được thu ở thị trường Nhật và Hàn Quốc, còn những thị trường chưa có yêu cầu xác nhận giống thì Hoàng Phát không có quyền yêu cầu thu phí.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, Công ty Hoàng Phát đã mua bản quyền giống LĐ1 từ năm 2017, họ mua với mục đích giúp cho Viện Cây ăn quả miền Nam có kinh phí mua vật tư trang thiết bị, trả lương cho cán bộ để nghiên cứu tiếp các giống cây trồng mới vì nhà nước không thể bao cấp hết được.

Năm 2017, Hoàng Phát đã bỏ ra 5 tỷ đồng để mua bản quyền và mua giống LĐ1, tuy nhiên theo quy định của Bộ NN-PTNT để có được bản quyền này phải là một cuộc khảo nghiệm trên 50 ha xem có bị bệnh gì không, chất lượng trái như thế nào … sau đó Bộ mới công nhận giống cây trồng này là giống mới.

Do vậy, từ năm 2010 - 2012 Viện đưa đi trồng khảo nghiệm khoảng 5 đến 10ha và sau đó nông dân đã trồng đại trà. Đến năm 2017, Bộ NN-PTNT chứng nhận LĐ1 là giống thanh long mới và Viện Cây ăn quả miền Nam đã nhượng quyền cho Hoàng Phát.

Hầu hết các nước phát triển đều yêu cầu bản quyền giống cây trồng

Hiện nay, đối với bản quyền giống cây trồng hầu hết các nước phát triển như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia... đều có yêu cầu.

Trong hai, ba năm trở lại đây chỉ có Công ty Yasaka xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang Nhật Bản và Hàn Quốc, công ty này mua thanh long ruột đỏ từ nông dân rồi xuất khẩu đi mà không có bản quyền, bây giờ nước nhập khẩu yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải có bản quyền mới được xuất khẩu sang thị trường của họ. Vì vậy, Yasada không thể xuất khẩu nên cáo buộc Hoàng Phát độc quyền thị trường và không chia sẻ bản quyền thanh long ruột đỏ.

“Chúng ta cần phải tôn trọng bản quyền tức là tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, nếu xử ép Hoàng Phát một khi tin tức này lan truyền ra nước ngoài, họ sẽ đánh giá Việt Nam không tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ, làm ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như uy tín quốc gia”, Tổng thư ký Vinafruit nhận định.

Mới đây, tại hội nghị “Thúc đẩy giao thương nông thủy sản Việt trong bối cảnh mới” giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã nhắn nhủ đến các doanh nghiệp:

“Một doanh nghiệp nếu có cái tầm nhìn trong phạm vi một thôn, một xã hay một huyện thì chỉ có thể làm ăn ở khu vực đó thôi, còn muốn làm ăn ở phạm vi quốc gia hay quốc tế cần phải có tầm nhìn vươn tầm quốc gia và quốc tế. Và một trong những cách để vươn tầm quốc gia, quốc tế thì doanh nghiệp đó phải tôn trọng bản quyền và tôn trọng luật chơi của quốc tế”.

Không chỉ sang nhượng, chia sẻ trách nhiệm tài chính là một chuyện, doanh nghiệp còn phải giữ gìn uy tín của mặt hàng đó

Cần có cái nhìn công bằng với Hoàng Phát, lúc đầu họ bỏ ra 5 tỷ đồng mua bản quyền giống LĐ1 mà hoàn toàn chưa biết được giống cây này có thành công hay không? Nhưng từ khi sản phẩm này đi ra thương mại và bắt đầu thu hút sự chú ý của các nước nhập khẩu thì các doanh nghiệp khác nhảy vào đòi chia sẻ và đòi xuất hàng miễn phí.

Hoàng Phát cho biết họ sẵn sàng chia sẻ nhượng quyền LĐ1 nhưng phải có phí, vì nếu miễn phí thì quá bất công với Hoàng Phát và không phù hợp với luật của quốc tế. Do vậy, doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu thanh long ruột đỏ LĐ1 thì phải đóng phí cho Hoàng Phát.

Thậm chí Hoàng Phát có thể không nhượng quyền cho bất cứ công ty nào nếu họ cảm thấy công ty đó có thể không làm đúng quy trình, làm mất uy tín của giống thanh long ruột đỏ LĐ1 dẫn đến việc nhà nhập khẩu cấm nhập.

“Sang nhượng, chia sẻ trách nhiệm tài chính là một chuyện, doanh nghiệp còn phải giữ gìn uy tín của mặt hàng đó”, Tổng thư ký Vinafruit nhấn mạnh.

Cuộc họp đã thống nhất, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ruột đỏ đi các thị trường có yêu cầu mã số vùng trồng phải thương lượng với Hoàng Phát và mức phí Hoàng Phát đưa ra là rất nhẹ chỉ 30.000 đồng/tấn hàng.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, để người dân và doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và thực hiện có trách nhiệm việc thực thi các văn bản đối với luật sở hữu trí tuệ.

“Chúng tôi đánh giá rất cao trách nhiệm xã hội cũng như chia sẻ của Hoàng Phát, họ đã công bố rất rõ ràng về mức thu phí có thể nói rất chấp nhận được”, ông Cường nói.

Từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản đã thống nhất, Nhật Bản chỉ chấp thuận nhập khẩu giống thanh long ruột đỏ LĐ1 do Viện Cây ăn quả miền Nam nghiên cứu từ năm 2005.

Đến năm 2017, Viện chuyển giao quyền sở hữu cho Công ty Hoàng Phát Fruit, theo biên bản làm việc các bên thống nhất bất kỳ doanh nghiệp nào xuất khẩu sản phẩm đi Nhật Bản hay Hàn Quốc phải được sự đồng ý của Hoàng Phát.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE