Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý 2/2023, hoạt động cho vay ước tính mang lại cho các công ty chứng khoán tổng cộng khoảng 4.000 tỷ đồng. Con số này đã tăng khoảng 500 tỷ so với cuối quý 1 và tương đương quý cuối năm ngoái. Như vậy, sau 4 quý liên tiếp bị thu hẹp, nguồn thu này của các công ty chứng khoán đã tăng trở lại.
Lãi từ cho vay và phải thu của các công ty chứng khoán tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu sử dụng đòn bẩy (margin) của nhà đầu tư cũng tăng cao trong quý vừa qua. Vào cuối quý 2, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán ước đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 27.000 tỷ so với cuối quý 1. Trong đó, dư nợ margin cũng tăng khoảng 24.000 tỷ sau một quý, ước đạt 142.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/6.
So với thời điểm rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm vào cuối 4/2022, dư nợ cho vay margin tại thời điểm cuối quý 2 vừa qua đã tăng mạnh khoảng 27.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay của các công ty chứng khoán lại gần như không được cải thiện.
Điều này có thể xuất phát từ một số nguyên nhân:
(1) Dư nợ margin duy trì ở mức thấp trong phần lớn thời gian của quý 2 vừa qua và chỉ bắt đầu tăng mạnh vào cuối quý, có thể là trong tháng 6 khi xu hướng đi lên rõ ràng hơn cùng với thanh khoản tăng đáng kể. Do đó, thời gian tính lãi trên dư nợ margin khá ngắn dẫn đến nguồn thu từ lãi không lớn.
(2) Mặt bằng lãi suất trong quý 2/2023 đã thấp hơn đáng kể so với quý cuối năm ngoái sau liên tiếp những đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (SBV). Lãi suất cho vay tuy giảm chậm nhưng cũng đã hạ nhiệt so với giai đoạn trước. Điều này góp phần tiết giảm chi phí vốn giúp các công ty chứng khoán có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay margin.
Xét trên từng công ty, TCBS là cái tên bứt phá ngoạn mục nhất trong quý 2 với lãi từ cho vay và phải thu tăng vọt lên gần 400 tỷ đồng, tương đương với mức cao nhất kể từ khi hoạt động ghi nhận trong nửa đầu năm ngoái. Ngược lại, Mirae Asset dù dẫn đầu về dư nợ cho vay vào cuối quý nhưng lãi thu được từ lại giảm nhẹ so với quý 1 và thấp hơn nhiều so với đỉnh đạt được đầu năm 2022.
Nhìn chung, nguồn thu lãi từ cho vay của đa phần các công ty chứng khoán đều đã tăng so với quý trước. Tuy nhiên, hầu hết các công ty đều chưa thể bội thu như giai đoạn bùng nổ kéo dài từ cuối 2021 đến đầu 2022, thời điểm dư nợ margin toàn thị trường lên đến 200.000 tỷ. Top 15 chỉ có VPBankS, VCBS, BSC ghi nhận lãi từ cho vay và phải thu phá đỉnh trong quý 2 vừa qua.
Nguồn thu có thể tiếp tục cải thiện vào cuối năm?
Cho vay margin là mảng nghiệp vụ quan trọng của nhóm chứng khoán, lãi từ hoạt động này thậm chí còn là nguồn thu lớn nhất đối với nhiều công ty chứng khoán. Tuy nhiên, nguồn thu này lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố không dễ đoán định như diễn biến thị trường, tâm lý nhà đầu tư hay lãi suất,…
Rất khó có thể dự báo chính xác biến động của nguồn thu từ lãi trong tương lai nhưng nhiều yếu tố hiện đang hỗ trợ các công ty chứng khoán cải thiện mảng hoạt động này. Lãi suất có xu hướng giảm dù dư địa không còn nhiều được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư. Dòng tiền có xu hướng chuyển dịch từ kênh tiền gửi ngân hàng sang chứng khoán sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ margin trong danh mục, giúp nhà đầu tư có thêm dư địa để vay thêm.
Trong báo cáo chiến lược mới đây, KBSV dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại về quanh mức 6,7% (giảm 1,3% so với đầu năm và giảm 0,25% so với hiện tại). Lãi suất cho vay dù có độ trễ nhưng cũng sẽ có xu hướng giảm với mức khoảng 1-1,3% so với đầu năm.
Theo SGI Capital, nhờ VND ổn định và lạm phát hạ trong nửa năm qua, SBV đã có dư địa để hạ mạnh lãi suất và tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Các lãi suất chủ chốt gồm lãi tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ và lãi suất liên ngân hàng đều giảm mạnh về mặt bằng cuối quý 2/2022. Quỹ đầu tư này cho rằng, nếu VND không mất giá trên 3% so với đầu năm, SBV sẽ tiếp tục ưu tiên hạ lãi suất.
Tương tự, Dragon Capital đánh giá Việt Nam vẫn có thể duy trì mở rộng chính sách tiền tệ như một “liều thuốc bổ” ngắn hạn để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, sẽ khó có thể cải thiện tăng trưởng trong nửa sau 2023 nếu thiếu sự đồng hành của chính sách tài khóa, đặc biệt là đầu tư công.