Nhà đầu tư bán mạnh trong quý, giá vàng giảm rất sâu

Nhà đầu tư chịu ảnh hưởng tâm lý bởi xu thế nâng lãi suất của Fed, nhiều người không còn coi vàng như công cụ tài sản an toàn mà chuyển sang sở hữu đồng USD.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2022, giá vàng tăng lên mức cao nhất trong 1 tuần khi mà đồng USD hạ giá từ những ngưỡng cao mới thiết lập trong thời gian gần đây. Nhà đầu tư tạm hãm đà bán trong ngắn hạn.

Tuy nhiên nếu tính cả quý, giá vàng có quý sụt giảm tệ hại nhất tính từ tháng 3/2022, giá vàng chịu ảnh hưởng bởi nỗi sợ liên quan đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, tính toán của Bloomberg cho hay.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá vàng tăng 0,06% lên 1.661,79USD/ounce. Tính từ đầu tuần đến giờ, giá vàng tăng ước tính 1,4%. Giá vàng giao hợp đồng tương lai tăng 0,05% lên 1.669,1USD/ounce trên thị trường New York.

“Thị trường vàng sẽ là nơi mà chúng ta có thể chứng kiến nhiều diễn biến tăng giá, tuy nhiên tất cả mọi chuyện còn tùy thuộc vào việc đồng USD diễn biến như thế nào và lợi suất trái phiếu ra sao”, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại quỹ RJO Futures – ông Daniel Pavilonis phân tích.

Tính từ đầu quý đến giờ, giá vàng đã giảm 7,7%. Đồng thời, giá vàng cũng giảm nếu tính cả tháng 9/2022, đây cũng là tháng thứ 9 liên tiếp giá vàng giảm, chuỗi thời gian giảm giá dài nhất của vàng trong 4 năm.

Giá vàng cho đến hiện tại không có nhiều phản ứng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có thêm động thái mới leo thang căng thẳng với Ukraine.

“Chúng ta hiện đang đương đầu với môi trường lạm phát cao, đó cũng là lý do tại sao Fed lại phải quyết liệt đến như vậy. Bối cảnh vĩ mô hiện nay khiến cho nhu cầu đầu tư đối với vàng giảm đi, nhà đầu tư không còn coi vàng như loại tài sản an toàn nữa”, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán TD Securities – ông Daniel Ghali.

Môi trường lãi suất tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của vàng bởi nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ loại tài sản không mang lại lợi suất này.

Bắc Kinh dường như đang thay một phần dự trữ trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ bằng vàng. Trong khoảng thời gian 1 năm tính đến tháng 8/2022, tổng giá trị vàng nhập khẩu ước tính 10,36 tỷ USD, mức cao nhất tính từ năm 2017.

Vàng là loại tài sản có thanh khoản cao và được coi như loại tiền tệ không thuộc sự quản lý của bất kỳ nhà nước nào. Nhiều nước khác cũng đang làm như vậy ví như Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ, các nước này giảm nắm giữ trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ và thay bằng vàng.

Tính đến tháng 8/2022, Trung Quốc hiện đang nắm giữ ước tính 1.950 tấn vàng, không thay đổi quá nhiều so với tháng 9/2019. Vàng được sử dụng trong công nghiệp, y tế cùng với trang sức. Nhu cầu vàng trong kinh tế Trung Quốc đang yếu đi. Có nguồn tin cho hay các ngân hàng thuộc quản lý của nhà nước Trung Quốc cũng đang nắm giữ vàng, tuy nhiên con số này không được công bố chính thức.

Trong cuộc họp quan trọng mới đây tại Jackson Hole, Wyoming, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra cảnh báo mới nhất với những nhà đầu tư hiện còn đang hoài nghi về cuộc chiến chống lạm phát của ông: lãi suất sẽ tiếp tục tăng mạnh và sẽ duy trì như vậy trong một khoảng thời gian, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.

Thông điệp từ Jackson Hole, được xác nhận bởi ông Powell và nhiều đồng nghiệp của ông trước đó, cho thấy Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ không chùn bước trong cuộc chiến hạ nhiệt đà tăng của giá cả.

“Việc khôi phục ổn định giá cả sẽ đồng nghĩa với việc cần đến duy trì định hướng chính sách hạn chế trong một khoảng thời gian. Lịch sử đã cho thấy bài học của những đợt nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm”, ông Powell nói trước cuộc họp tại Jackson Hole.

Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại ngân hàng Deustche Bank, ông Peter Hooper, dự báo: “Lãi suất cao hơn trong khoảng thời gian dài hơn sẽ là từ khóa của thời gian tới”.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE