Hàng loạt mỏ dầu ở Libya đã bị đóng cửa vào ngày 28/8 khi hoạt động sản xuất tại mỏ Sarir gần như ngưng trệ hoàn toàn, trong bối cảnh các phe phái ở quốc gia Bắc Phi này vẫn không ngừng tranh chấp để giành quyền kiểm soát Ngân hàng Trung ương Libya (CBL) và nguồn thu từ dầu mỏ.
Trước đó ngày 26/8, chính quyền ở miền Đông Libya, nơi nắm giữ hầu hết các mỏ dầu ở nước này, tuyên bố sẽ đóng cửa mọi hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ ở Libya. Sản lượng của mỏ Sarir đạt khoảng 209.000 thùng/ngày trước khi hoạt động sản xuất của mỏ này bị giảm mạnh.
Chính quyền miền Đông cũng đã ban bố tình trạng bất khả kháng đối với hoạt động xuất khẩu dầu tại mỏ Sharara có sản lượng 300.000 thùng/ngày.
Hãng tin Reuters trong tuần này đã đưa tin về tình trạng gián đoạn sản xuất tại các mỏ El Feel, Amal, Nafoora và Abu Attifel của Libya.
Hồi tháng 7/2024, Libya - một thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - đã ghi nhận mức sản lượng khoảng 1,18 triệu thùng/ngày. Việc chính quyền ở miền Đông Libya đóng cửa hàng loạt mỏ dầu, nguồn thu chính của quốc gia Bắc Phi, là động thái đáp trả việc Hội đồng Tổng thống Libya có trụ sở tại Tripoli sa thải Thống đốc CBL Sadiq Al-Kabir.
Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) Abdulhamid Al-Dbeibah nhấn mạnh các mỏ dầu của Libya không được phép đóng cửa với những lý do không rõ ràng. Ông Al-Dbeibah được bổ nhiệm làm người đứng đầu GNU có trụ sở tại Tripoli thông qua một tiến trình chính trị do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ vào năm 2021.
Trong khi đó, Chủ tịch Chủ tịch Hạ viện Libya (HoR) Aqila Saleh tuyên bố lệnh phong tỏa đối với ngành dầu khí của mước này sẽ tiếp tục cho đến khi Thống đốc CBL Saddek Elkaber, người đã bị Hội đồng Tổng thống Libya sa thải, được phục chức.
Theo tuyên bố ngày 27/8 của Văn phòng HoR, ông Saleh nêu rõ việc đóng cửa các mỏ dầu là biện pháp "bảo vệ tài sản của người dân Libya khỏi bị bóc lột và đánh cắp, cũng như bảo vệ tài nguyên quốc gia".
Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) đã thông báo kế hoạch triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các bên liên quan để giải quyết cuộc khủng hoảng CBL.
UNSMIL kêu gọi thực thi các bước khẩn cấp để hạ nhiệt tình hình, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay ở Libya. UNSMIL cũng cảnh báo các quyết định đơn phương có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến sự sụp đổ tài chính và kinh tế ở Libya.