Định vị thị trường
Một loạt động thái của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 24/9 theo sau đợt hạ lãi suất mạnh tay của FED đã đem lại sự hứng khởi cho các thị trường chứng khoán châu Á. Các chỉ số lớn của Trung Quốc cùng ghi nhận mức tăng trên 4% trong khi NIKKEI 225 (+0,57%), KOSPI (+1,14%), TWSE (+0,66%) cũng duy trì được đà đi lên.
Được biết, PBOC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm, hạ lãi suất chính sách và lãi suất chuẩn thị trường nhằm thúc đẩy tăng trưởng, cam kết thúc đẩy mở rộng tiêu dùng và đầu tư. Thống đốc PBC cho biết động thái này sẽ bơm khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (141,7 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào thị trường tài chính.
Nhờ đó, VN-Index cũng phải nhanh chóng trở lại với đà tăng sau phiên đầu tuần giao dịch giằng co. Chỉ số đóng cửa ở mức cao nhất phiên lên 1.276,99 điểm với công lớn thuộc về nhóm ngành Ngân hàng.
Chất xúc tác
Thực tế, việc FED hạ lãi suất đã tạo ra không gian rộng hơn trong điều hành chính sách tiền tệ cho nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới. Nhà đầu tư trong nước cũng đang kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp bước theo PBOC với những động thái mới.
Mức lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm hiện vẫn ở dưới 4% trong khi đó giá bán USD trên thị trường tự do vẫn đang được duy trì trên mức 25.000 VND/USD. Thanh khoản của hệ thống đang khá tốt khiến cho Ngân hàng Nhà nước còn đang có nhiều phiên hút ròng khỏi hệ thống ngân hàng. Trong ngày hôm qua, NHNN mới trở lại bơm ròng 987,57 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 2.499,17 tỷ đồng, không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Với dòng tiền trên thị trường chứng khoán, sự sôi động hơn đã được thể hiện với khớp lệnh tăng 8,35% so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, cả 2 phiên giao dịch đều chưa thể khôi phục lại trên mức bình quân 20 phiên gần nhất cho thấy thị trường cần tiếp tục cải thiện thanh khoản trong các phiên tới.
Nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán ròng gần 2.500 tỷ đồng do xuất hiện giao dịch bán thỏa thuận đột biến VIB (-2.715 tỷ đồng). Nếu loại giao dịch thỏa thuận này ra, thực tế cán cân giao dịch có thể còn dương với những mã được mua ròng như MWG (+94 tỷ đồng), NAB (+52 tỷ đồng), MSB (+78,43 tỷ đồng), STB (+67,45 tỷ đồng), HCM (+43,3 tỷ đồng), KBC (+36,8 tỷ đồng).
Vận động thị trường
Các mã được khối ngoại mua ròng đều có phản ứng giá tích cực trong đó KBC thậm chí còn tăng trần. Chiều ngược lại, VIB bất chấp có giao dịch đột biến nhưng vẫn đảo chiều tăng ngay trong phiên ATC với thành tích +3,24%.
Còn các mã NAB (+4,2%), STB (+3,4%) đã vươn lên dẫn dầu về mức tăng giá của nhóm Ngân hàng. Đồng thời, hiệu ứng lan tỏa cũng xuất hiện tới MBB (+1,8%), MSB (+1,3%), VPB (+1,1%), BID (+1,1%), LPB (+1%), TPB (+1%).
Nhóm Ngân hàng đã tạo ra một cú hích tích cực lên thị trường sau những vận động khá nhàm chán cả phiên sáng. Chỉ số VN-Index đã tăng quyết liệt và đóng cửa cao nhất phiên giao dịch tại 1.276,99 điểm (+0,67%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 17.917 tỷ đồng.
Sắc xanh đã đồng loạt xuất hiện ở nhiều nhóm ngành theo sau hiệu ứng của Ngân hàng. Nhóm Chứng khoán ghi nhận các mã tăng trên 1% như FTS (+1,1%), AGR (+1,1%), VDS (+1,4%), CTS (+1,5%) cùng MBS (+2,1%), SHS (+1,3%) trên HNX.
Nhóm Bất động sản là các mã DPG (+1,8%), DXG (+1,6%), KDH (+1,6%), PDR (+1,6%), LDG (+6,8%), CTD (+4,4%). Trong khi nhóm Khu công nghiệp cũng hứng khởi sau khi KBC tăng trần: các mã SZC (+3,3%), LHG (+2,7%), D2D (+2,5%), VGC (+2,2%) đều tăng trên 2%.
Cả 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều đóng cửa trong sắc xanh, lần lượt tăng 0,4% và 0,18%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.900 tỷ đồng.