Phân tích về nguyên nhân và hệ lụy của vụ sàn giao dịch tiền số FTX tuyên bố phá sản, nhật báo Le Figaro cho rằng sự sụp đổ của nền tảng giao dịch này không chỉ làm ảnh hưởng đến hơn 100 công ty liên quan và đe dọa tài sản của 100.000 nhà đầu tư, mà còn là dấu hiệu cho thấy sự nghiêm trọng của tình hình, thậm chí có thể dẫn đến khả năng xảy ra một vụ bê bối quy mô lớn.
Sự sụp đổ của FTX đang làm chao đảo thế giới tiền ảo. 10 ngày trước, nền tảng do Tổng Giám đốc điều hành Sam Bankman-Fried thành lập và quản lý còn được coi là nền tảng giao dịch lớn thứ hai trên thế giới về tiền điện tử, chỉ sau Binance.
Được định giá 32 tỷ USD vào tháng 1/2022, nền tảng này đã được đặt dưới sự bảo vệ của Chương XI của Luật phá sản Hoa Kỳ kể từ 11/11/2022. Theo Financial Times, trước khi sụp đổ, FTX có tài sản lưu động chưa đến 1 tỷ USD, với khoản nợ hơn 9 tỷ USD. Sự sụp đổ của FTX đã kéo 130 doanh nghiệp trực thuộc.
Các phương pháp quản lý giáp ranh với sự bất hợp pháp
Nguyên nhân đầu tiên lý giải cho thất bại này chính là các phương pháp quản lý có dấu hiệu bất hợp pháp. Theo tiết lộ của một số phương tiện truyền thông chuyên ngành của Mỹ, một "cửa sau" trong phần mềm kế toán của công ty đã cho phép hàng tỷ USD được chuyển vào Alameda Research, một quỹ đầu tư chuyên kinh doanh tiền điện tử và công ty này thuộc về ông Sam Bankman-Fried.
Tệ hơn nữa, "một phần" trong số hàng tỷ USD đó được trực tiếp lấy từ quỹ khách hàng FTX. Theo Wall Street Journal, nền tảng này đã thay mặt cho các khách hàng của mình nắm giữ lượng tiền điện tử trị giá lên tới 16 tỷ USD và đã "bòn rút" một nửa số tiền đó cho Alameda Research. Mặc dù phủ nhận sự thật này, ông Sam Bankman-Fried vẫn phải xác nhận đã chuyển 10 tỷ USD sang Alameda Research.
Phần lớn tài sản do FTX và Alameda Research nắm giữ được tạo thành từ các tài sản kém thanh khoản, bao gồm cả mã thông báo FTT do nền tảng này tạo ra. Trước khi có những thông tin này, một số nhà đầu tư đã lo lắng về nguy cơ mất khả năng thanh toán của Alameda Research, và điều này đã khiến giá trị của mã FTT giảm từ 25,50 euro vào đầu tháng 11 xuống còn 1,80 euro chỉ trong vòng 10 ngày.
Cú đòn giáng cuối cùng đã được đưa ra vào tuần trước khi Giám đốc điều hành Binance Changpeng Zhao đã bán tất cả các mã FTT của mình. Binance đã mua chúng với giá 529 triệu USD và bán chúng với giá 23 triệu USD. Claire Balva, Giám đốc mảng blockchain và tiền điện tử tại KPMG của Pháp, nhận xét : "Điều này thực sự là một nhát con dao chém đối thủ cạnh tranh, khiến cho các nhà đầu tư hoảng sợ".
Sợ bị mất giá, các nhà đầu tư đã rút hàng tỷ tiền điện tử chỉ trong vài giờ, khiến FTX gặp thêm rắc rối. Để thoát khỏi tình trạng này, FTX đã gọi cho Binance để yêu cầu giúp đỡ. Đối thủ đã lần đầu tiên ký một Ý định thư về việc tiếp quản vào ngày 8/11, nhưng sau đó lại từ chối vào ngày 9/11, với lý do "các vấn đề ngoài tầm kiểm soát" và "việc quản lý quỹ của khách hàng có dấu hiệu sai phạm".
Trong khi đang lúng túng với sự sụt giảm không kiểm soát của các mã hàng hóa, nền tảng FTX lại bị hacker tấn công, khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Công ty phân tích Elliptic cho biết có đến 663 triệu USD trong các loại tiền điện tử khác nhau đã bị "bốc hơi" khỏi ví FTX. Hơn 477 triệu USD đã bị tin tặc "nẫng" mất, trong khi phần còn lại được chuyển vào các tài sản ít rủi ro hơn.
Cho đến nay, vụ việc FTX mới chỉ bắt đầu. Sở Giao dịch Chứng khoán và Bộ Tư pháp Mỹ đang mở rộng các cuộc điều tra để có thêm thông tin về vụ phá sản này.
Hình ảnh mô phỏng đồng tiền điện tử Bitcoin tại cửa hàng giao dịch quốc tế ở Tel Aviv, Israel
Một vụ bê bối gợi nhớ đến Lehman Brothers
Những hậu quả đầu tiên của vụ phá sản FTX đã được cảm nhận. Trò chơi Star Atlas dựa trên chuỗi khối bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng mất khả năng thanh toán của FTX. "Đây là nền tảng được sử dụng để chuyển tiền cho ngân hàng của chúng tôi", Giám đốc điều hành dự án Michael Wagner cho biết điều này trên Twitter.
Sự mất giá của FTT cũng đã kéo theo sự sụt giảm của bitcoin, vốn đã bắt đầu "xuống giá" từ một năm trước sau khi đạt đến đỉnh điểm là 67.734 USD vào ngày 11/11/2021. Đồng tiền điện tử này đã giảm từ 20.554 USD vào đầu tháng 11 xuống còn 15.890 USD vào hôm 13/11 vừa qua.
Ông chủ mới của sàn giao dịch tiền điện tử FTX cũng chính là người đã quản lý việc thanh lý công ty môi giới năng lượng Enron hồi đầu những năm 2000. Giờ đây, phụ trách tương lai của FTX, ông John J. Ray III hứa sẽ làm mọi thứ để "đảm bảo tài sản của các nhà đầu tư của mình", "dù họ ở đâu". Nhưng bất chấp các biện pháp phòng ngừa mà ông chủ mới của FTX đang cố gắng thực hiện, số phận của các quỹ do nền tảng này quản lý vẫn chưa chắc chắn.
Theo thông tin từ FTX, hơn 100.000 nhà đầu tư nắm giữ từ 10 tỷ đến 50 tỷ USD tài sản và nợ các loại trên nền tảng này. Tuy nhiên, họ có thể không khôi phục được mã thông báo của mình, ngay cả khi giá trị của chúng thấp hơn. Sự không chắc chắn này có thể dẫn đến khủng hoảng niềm tin vào các nền tảng khác.
Ông Michel Santi, một nhà kinh tế chuyên về thị trường tài chính, lo ngại rằng: "Vụ bê bối này gợi nhớ đến vụ tai tiếng của Lehman Brothers. Hy vọng rằng nó sẽ không gây ảnh hưởng đến các thị trường truyền thống".
Để trấn an các nhà đầu tư, các nền tảng giao dịch lớn như Kraken hoặc Binance cho biết các khoản dự trữ của họ vẫn rất chắc chắn và chỉ một phần nhỏ bị ảnh hưởng. Claire Balva, một chuyên gia của KPMG tại Pháp, cũng tin rằng "đây không phải là sự kết thúc của tiền điện tử" và kêu gọi các nhà đầu tư nên "chuyển sang các nền tảng được kiểm soát tốt hơn".
Theo nhà kinh tế Michel Santi, hiện nay nước Mỹ đang rất thiếu các định chế kiểm soát thị trường tiền ảo. Có rất ít quy tắc chi phối thị trường này. Một số công ty thậm chí còn được thành lập ở các thiên đường trốn thuế, như FTX ở Bahamas.
Điều này sẽ khiến thị trường tiền điện tử càng khó kiểm soát. "Việc xây dựng các chế tài trong lĩnh vực này sẽ là một công việc lâu dài nhưng là vấn đề lớn cần được giải quyết", ông Michel Santi nhấn mạnh.