Năm của những cú sốc từ lãi suất

Trong suốt năm 2022, cái kết của thời kỳ tiền rẻ đã gây ra nhiều diễn biến kịch tính trên thị trường.

Sau quãng thời gian tươi đẹp kéo dài từ giữa tháng 10, thị trường chứng khoán Mỹ lại đang bước vào những tháng ngày u ám. Chỉ số S&P 500 đã giảm tổng cộng 5% kể từ ngày 14/12, khi Cục dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm và Chủ tịch Jerome Powell nói rằng các nhà hoạch định chính sách không có kế hoạch bắt đầu hạ lãi suất cho đến khi họ tự tin rằng lạm phát đang giảm xuống còn 2% một cách bền vững. “Những bài học lịch sử cho thấy chúng ta cần phải rất thận trọng để không nới lỏng quá sớm”, ông nói.

Trong suốt năm 2022, cái kết của thời kỳ tiền rẻ đã gây ra nhiều diễn biến kịch tính trên thị trường. Nhà đầu tư kỳ vọng những bất ổn sẽ sớm qua và Fed sẽ hạ lãi suất sớm nhất từ giữa năm 2023. Tuy nhiên, lời cảnh báo của ông Powell lại giống như Fed đang cố gắng truyền đi thông điệp rằng nhà đầu tư đang quá lạc quan.

Và đây cũng không phải là lần đầu tiên. Từ đầu năm đến nay, gần như sau mỗi lần Fed họp thị trường chứng khoán đều biến động rất mạnh. Tâm lý nhà đầu tư chao đảo vì những bài phát biểu của ông Powell. Trong 5 tuần tệ nhất đối với chứng khoán Mỹ từ đầu năm đến nay, mỗi lần thị trường giảm khoảng 5% và đều xảy ra ngay trước hoặc sau cuộc họp của Fed.

Lạm phát đang ngày càng trở nên dai dẳng hơn so với dự báo, và Fed lại luôn sẵn sàng dập tắt hi vọng của thị trường với những tuyên bố “diều hâu”. Khi chứng khoán Mỹ đạt đỉnh ngày 3/1, thị trường trái phiếu chỉ dự đoán đến cuối năm 2022 giới hạn trên của lãi suất cơ bản sẽ ở mức 0,75%. Giờ thì con số đã là 4,5%.

Chính sách tiền tệ bị thắt chặt là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường tài chính chao đảo trong năm vừa qua. Nhóm cổ phiếu công nghệ sụt mạnh đến nỗi Meta (công ty mẹ của Facebook) đã mất hơn 25% giá trị vốn hóa chỉ trong 1 phiên. Mùa thu, nhiều quỹ hưu trí ở Anh đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì đồng bảng chao đảo. Mới nhất, ngày 20/12, NHTW Nhật Bản có quyết định rung chuyển thị trường khi nâng trần lợi suất trái phiếu dài hạn.

Các sự kiện kể trên xảy ra trong các lĩnh vực khác nhau nhưng đều có 1 điểm chung: là hệ quả của việc thời kỳ tiền rẻ chấm dứt.

Quảng cáo

Liệu thị trường có yên bình hơn trong năm 2023? Đến thời điểm hiện tại lãi suất đã tăng mạnh ở hầu hết các nền kinh tế phát triển. Ít nhất thì ở Mỹ lạm phát đang hạ nhiệt. Kể cả ở châu Âu, nơi nhiều nước đang chật vật với giá năng lượng tăng cao, giá cả dường như cũng đang tăng chậm lại. Có lẽ giai đoạn “đau đớn” nhất do lãi suất tăng đã qua.

Một lần nữa, có phải đó là nhận định quá lạc quan? Vẫn tồn tại một khoảng cách rất lớn giữa những gì Fed nói là sẽ làm với những gì nhà đầu tư kỳ vọng. Sau cuộc họp mới nhất, Fed thừa nhận lãi suất có thể vượt 5% trong năm 2023 và sẽ giữ nguyên ở đó chứ không sớm hạ xuống. Nhưng bất chấp những lời cảnh báo của ông Powell, nhà đầu tư vẫn đặt cược sớm nhất là vào mùa hè năm tới lãi suất sẽ giảm.

Cuối cùng thì góc nhìn của các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư vẫn khác nhau đối với những câu hỏi quan trọng nhất. Bao giờ hết lạm phát? Lãi suất sẽ đạt đỉnh ở mức nào? Và khi nào các NHTW sẽ bắt đầu thôi thắt chặt chính sách tiền tệ?

Có 1 câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng: liệu kinh tế Mỹ có suy thoái, và nếu có thì khi nào? Fed dự đoán nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 0,4 – 1% trong năm 2023, với lạm phát vào khoảng 2,9 – 3,5%. Nếu suy thoái ập đến, chắc chắn nhà đầu tư chưa sẵn sàng. Giới phân tích vẫn dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng 7,6% trong năm tới, cao hơn đáng kể so với mức tăng GDP.

Cuối cùng, những tác động từ cú sốc lãi suất vẫn đang ngấm dần vào giá tài sản. Cho đến nay, mới chỉ có cổ phiếu, trái phiếu và tiền số điều chỉnh giá và những biến động không ảnh hưởng nhiều đến các định chế tài chính. Chỉ trong giới tiền số xuất hiện hiện tượng ông lớn phá sản.

Tuy nhiên, cú sốc lãi suất hoàn toàn có thể gây ra những vết rạn nứt trong hệ thống tài chính, kéo theo những điều tồi tệ. Thị trường vốn tư nhân và thị trường bất động sản hiện vẫn chưa điều chỉnh mạnh.

Lãi suất là câu chuyện nóng nhất trên thị trường tài chính năm 2022. Chắc chắn là nhà đầu tư luôn mong ước cơn ác mộng này sẽ sớm chấm dứt. Tuy nhiên cuộc tranh luận về lạm phát và lãi suất vẫn chưa ngã ngũ, trong khi nhà đầu tư kỳ vọng khá lớn vào tăng trưởng của nền kinh tế cũng như lợi nhuận doanh nghiệp. Trong khi đó tác động từ lãi suất tăng vẫn chưa lan tỏa đến mọi ngõ ngách của hệ thống tài chính.

Cho dù nhà đầu tư tin vào điều gì đi chăng nữa, có lẽ chúng ta vẫn sẽ phải đau đầu với những câu hỏi hóc búa này trong năm mới.

Theo Markettimes Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Giới siêu giàu Hàn Quốc lựa chọn đầu tư an toàn hơn vào năm 2025

Một báo cáo công bố ngày 22/12 cho hay, giới siêu giàu Hàn Quốc, chiếm chưa đến 1% dân số nước này, đang lựa chọn các lựa chọn đầu tư rủi ro thấp vào năm tới do tình hình kinh tế không chắc chắn.

Xuất khẩu nông sản của Hàn Quốc lập kỷ lục mới Chứng khoán Seoul trượt dốc do căng thẳng chính trị tại Hàn Quốc

Đồng euro yếu - công cụ để châu Âu ứng phó với thuế quan mới của Mỹ?

Nếu đồng euro yếu hơn, giảm xuống ngang giá với đồng USD, sẽ làm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc Mỹ có thể áp các mức thuế mới đối với hàng hóa của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đồng euro thắng thế trên thị trường tiền tệ toàn cầu Trung Quốc trở lại thị trường nợ với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro